Tạm hoãn hợp đồng lao động và hậu quả pháp lý. Thời gian tạm hoãn hợp đồng người lao động có những quyền lợi gì?
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của người của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng không phải lúc nào cũng thuận lợi nên pháp luật quy định một số trường hợp được hoãn thực hiện hợp đồng. Hợp đồng lao động có thể được tạm hoãn thực hiện trong một thời gian nhất định mà không bị hủy bỏ hoặc mất hiệu lực. Trong thời gian tạm hoãn người lao động sẽ tạm thời không phải thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, hết thời hạn này người lao động có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vậy những trường hợp nào người lao động được tạm hoãn thực hiện hợp đồng?
Căn cứ Điều 32 Bộ luật lao động 2012 quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:
– Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
– Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
– Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật lao động 2012.
– Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Với các trường hợp trên thì có thể thấy hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao đống sẽ được nhiên tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà không phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động. Người lao động có thể đề nghị tạm hoãn hợp đồng vì có nhu cầu tham quan, du lịch, chữa bệnh,… Còn với trường hợp khác do các bên thỏa thuận thì hiện nay không có văn bản nào hướng dẫn rõ ràng nhưng có thể hiểu rằng các trường hợp tạm hoãn này thì chỉ cần hai bên thỏa thuận và có sự nhất trí về việc tạm hoãn đó.
Bên cạnh đó pháp luật còn quy định thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động khi được bổ nhiệm hoặc được cử làm người đại diện phần vốn góp của Nhà nước như sau:
– Người sử dụng lao động và người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con làm chủ sở hữu thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:
+ Người lao động được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng;
+ Người lao động được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn và làm việc tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước hoặc của công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
– Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng là thời gian người lao động được bổ nhiệm hoặc được cử làm đại diện phần vốn và làm việc tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước hoặc của công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Việc giải quyết hậu quả pháp lý của tạm hoãn hợp đồng lao động sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt. Và người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bố trị công việc cho người lao động sau khi đã hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Thứ nhất, hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, lao động nữ mang thai, các trường hợp do các bên thỏa thuận thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp việc làm cho người lao động để hợp đồng lao động được tiếp tục thực hiện, nếu phải nghỉ chờ việc thì người lao động được hưởng lương theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật lao động, trường hợp không đến địa điểm làm việc mà không có lý do chính đáng theo quy định có thể bị xử lý kỷ luật.
Thứ hai, hết hạn tạm hoãn hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì người sử dụng lao động có thể phải nhận người lao động trở lại làm công việc cũ, trả đủ tiền lương và các quyền lợi khác trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tùy vào mức độ vi phạm của người lao động mà quyết định bố trí công việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!