Thẩm quyền bắt chó thả rông, tiêu hủy chó vô chủ của Chi cục thú y. Giả mạo nhân viên thú y bắt chó thả rông bị xử lý thế nào?
Gần đây, cư dân mạng đang rần rần thông tin:
1. Chi cục thú y Thành phố Hồ Chí Minh ra quân bắt chó mèo thả rông, không rọ mõm, không xích.
2. Xuất hiện xe giả danh thú y bắt trộm chó mèo công nhiên.
Về hai nội dung này, Luật Dương Gia đưa ra quan điểm như sau:
Xuất phát từ việc người dân phản ánh về tình trạng nhiều hộ gia đình không xích mà để chó thả rông, không rọ mõm chạy ra đường gây nguy hiểm cho người đi đường, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng…, Chi cục Thú y TP.HCM đã thành lập Đội săn bắt chó thả rông để thu gom chó về trại.
Khi phát hiện chó chạy rông không rọ mõm, xích, lực lượng bắt chó sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng chặn bắt và đưa về đơn vị, chờ các chủ sở hữu chó lên làm thủ tục đóng phạt nhận lại. Nếu quá thời gian quy định, chó bị bắt sẽ bị thiêu hủy.
Những chú chó này sẽ bị nhốt và chăm sóc trong vòng 72 giờ. Theo đó, chủ nhân của chú chó sẽ phải mang giấy chứng nhận nuôi, giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại và tiền phạt lên để nhận chó về. Trong trường hợp không có ai nhận, con chó đó sẽ bị mang đi thiêu hủy.
Xét về mặt pháp lý:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục thú ý được quy định trong văn bản Nghị định 35/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y 2015. Tuy nhiên, xét tỏng văn bản này hoặc các văn bản có liên quan khác quy định về thẩm quyền của Chi cục thú y lại không nhắc đến việc tiêu hủy động vật “lành mạnh”. Nghĩa là sao? Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan thú y tại các địa phương có trách nhiệm phát hiện, phòng chống dịch bệnh, nhưng họ sẽ được tiêu hủy gà khi phát hiện gà nhiễm H5N1, họ được phép tiêu hủy lợn nếu phát hiện chúng mắc bệnh tai xanh, lở mồm long móng,… nghĩa là phải có kiểm dịch, kết luận,… để xác định động vật có bị nhiễm dịch hay không.
Thiết nghĩ, UBND thành phố Hồ Chí Minh cần công khai văn bản chỉ rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục thú y Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền bắt giữ chó là điều thứ nhất. Thứ hai, xem xét lại việc tiêu hủy chó thả rông: Cần xác minh chó có bị nhiễm dịch bệnh hay không để đưa đi tiêu hủy? Đối với những chú chó không nhiễm bệnh mà không có chủ lên nhận, thiết nghĩ nên đưa về đơn vị cứu hộ chó mèo?
Nhiều người dân ủng hộ hoạt động của Đội săn bắt chó thả rông. Họ cho rằng đây là việc làm cần thiết và đúng đắn vì cho rằng việc nuôi chó nhưng thả rông chó, không đeo rọ mõm gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như mất thẩm mỹ đô thị. Tuy vậy, cùng không thể tiêu hủy chó một cách cục bộ như vậy!
Về thông tin thứ hai: Xuất hiện xe thú y giả bắt chó
Đây có thể coi là hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Chó là một vật nuôi và có định giá bán trên thị trường, vì vậy, chó cũng được coi là “tài sản” của chủ nhân.
Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 quy định về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ.
Hình phạt áp dụng:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.”
Nếu trên thực tế có xuất hiện những đối tượng giả danh để bắt trộm chó, cư dân tạm giữ đối tượng, báo ngay phía Cơ quan công an địa phương để bắt giữ những đối tượng này.
Qua đây, một câu hỏi đặt ra “Khi bắt chó thả rông, có phải xuất trình thẻ ngành thú y không?” cũng giống như Cảnh sát giao thông, phải có thẻ xanh mới được dừng xe xử phạt hành chính vi phạm giao thông.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!