Thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tục, hồ sơ thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài thế nào?
Xu thế dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức “Thành lập chi nhánh” ngày càng trở nên phổ biến. Việc thành lập chi nhánh tại quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật tại quốc gia và điều ước quốc tế mà các nước và vùng lãnh thổ là thành viên. Tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì một thương nhân nước ngoài chỉ được thành lập tối đa một Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhằm giúp các thương nhân nước ngoài, công ty nước ngoài thuận tiện về thủ tục pháp lý trong quá trình thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, Công ty Luật TNHH Dương Gia tổng hợp các điều kiện, hồ sơ cần chuẩn bị, thủ tục và và dịch vụ thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam như sau:
1. Điều kiện thành lập chi nhánh thì thương nhân nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
– Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
– Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
– Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
2. Thời hạn của giấy phép của chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thời hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
Hết thời gian, Thương nhân có thể thực hiện thủ tục xin gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài.
3. Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập chi nhánh:
Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 – Điều 12 Nghị định 07/2016, hồ sơ xin cấp giấy phép lập chi nhánh bao gồm như sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
– Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
– Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
– Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
– Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;
– Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh bao gồm: Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh; Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh.
Đây là một trong quy định có sự điều chỉnh, thay đổi so với Nghị định 72/2006 theo hướng giảm bớt giấy tờ pháp lý của thương nhân, cụ thể: trong nghị định 72/2016 không có quy định về yêu cầu đối với trụ sở chi nhánh. Với việc bổ sung sửa đổi theo hướng làm rõ nội dung này, Nhà làm luật mong muốn đảm bảo tính khả thi và tính lâu dài trong sự hiện diện thương mại của thương nhân tại Việt Nam, tạo ra môi trường đầu tư ổn định và bền vững.
Ngoài ra, thời gian cấp phép theo Nghị định 07/2016 cũng được cơ quan nhà nước rút ngắn từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc.
Sai một ly – đi một dặm! Sau khi thành lập chi nhánh, thương nhân nước ngoài cần lưu ý thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của chi nhánh như: công bố thông tin chi nhánh trong vòng 15 ngày kể từ ngày thành lập; định kỳ hàng năm, trước ngày 30 tháng 01 năm kế tiếp chi nhánh, phải gửi báo cáo bằng văn bản về hoạt động trong năm của mình tới Bộ Công thương; thực hiện các thủ với cơ quan thuế.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của chúng tôi:
- Tư vấn luật đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư tại Việt Nam qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn thủ tục đầu tư tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!