Thanh lí hợp đồng với công ty bị phá sản. Làm thế nào để thanh toán được công nợ đối với công ty chuẩn bị phá sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, Cách đây gần 1 năm tôi đã kí hợp đồng thầu xây dựng với môth công ty. Tuy nhiên công ty này làm ăn thua lỗ và hiện tại đã phá sản. Làm thế nào tôi thanh toán được công nợ đối với công ty này? Số tiền nợ là 120.000.000 đ. Rất mong được quý luật sư tư vấn để tôi có thể lấy lại tiền của mình. Chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Mỗi doanh nghiệp khi được thành lập đều mang theo mong muốn phát triển bền vững và có nhiều lợi nhuận. Nhưng trong quá trình phát triển, trên thương trường, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng kinh doanh thuận lợi mà có thể vì nhiều khó khăn, vì làm ăn thua lỗ… mà doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Việc phá sản của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ của những đối tác làm ăn, những chủ nợ trong giao dịch kinh tế với doanh nghiệp này, mà trường hợp của bạn cũng là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, theo thông tin, cách đây một năm bạn có ký hợp đồng thầu xây dựng với một công ty. Tuy nhiên, công ty này làm ăn thua lỗ và hiện tại đã phá sản.
“Phá sản” là khái niệm được theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, cụ thể như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 được trích dẫn ở trên, có thể xác định phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản vì mất khả năng thanh toán. Trong đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 được trích dẫn ở trên, doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ bị coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp, hợp tác xã này đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn phải thanh toán.
Khi một doanh nghiệp bị phá sản thì sẽ dẫn đến việc xử lý đối các khoản nợ cho các chủ nợ, trong đó có những khoản nợ được phát sinh từ các hợp đồng mua bán, hợp đồng kinh tế với các đối tác, với khách hàng. Trong trường hợp cụ thể của bạn, bạn nói rằng công ty này đã phá sản, tuy nhiên bạn không nói rõ, công ty này đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án, hay chỉ mới lâm vào tình trạng phá sản, có đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nhưng chưa có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Do vậy, việc xác định khả năng bạn lấy lại số tiền công nợ của bạn từ công ty này, tùy vào từng trường hợp nhưng có hai khả năng có thể xảy ra:
- Trường hợp 1: Công ty này lâm vào tình trạng phá sản nhưng chưa có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.
Khi công ty này lâm vào tình trạng phá sản nhưng chưa có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án thì trường hợp này, công ty này vẫn tồn tại, vẫn còn hoạt động, chỉ bị mất khả năng thanh toán những khoản nợ đến hạn. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phá sản năm 2014 thì những chủ thể là chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần của công ty này có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi đã hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà công ty này không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán.
Trong đó, về khái niệm chủ nợ không có đảm bảo, chủ nợ có đảm bảo được quy định tại Điều 4 Luật phá sản năm 2014 như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…3. Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.
4. Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
5. Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
6. Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.”
Trong trường hợp cụ thể của bạn, theo thông tin, bạn có ký hợp đồng thầu xây dựng với một công ty và hiện tại công ty này vẫn chưa thanh toán hết nghĩa vụ theo hợp đồng cho bên bạn, vẫn còn công nợ với bên bạn với số tiền nợ là 120.000.000 đồng. Trường hợp này, bạn được xác định là một trong những chủ nợ của công ty này. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phá sản năm 2014, khi thấy công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bạn dù đã hết thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm khoản nợ đến hạn thì bạn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân được quy định theo Điều 8 Luật Phá sản năm 2014.
Theo quy định của Luật phá sản năm 2014, cụ thể tại Điều 37, 67, từ Điều 75 đến Điều 83 của Luật này, đều có quy định cụ thể về việc tham gia và vai trò của chủ nợ trong việc giải quyết thủ tục phá sản cho doanh nghiệp. Cụ thể, khi bạn là một chủ nợ có công nợ cần thanh toán với công ty này và bạn đã nộp đơn gửi lên Tòa án có thẩm quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản thì trong thời gian 03 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận được đơn yêu cầu hợp lệ của bạn, bạn và công ty này có thể tự thương lượng về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của công ty này. Khi Tòa án quyết định về việc mở thủ tục phá sản thì các chủ nợ – trong đó có bạn, không phân biệt về việc bạn có nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này hay không, đều có quyền được tham gia thương lượng trong Hội nghị chủ nợ theo triệu tập của Thẩm phán. Hội nghị chủ nợ là sự thỏa thuận giữa các chủ nợ về vấn đề phá sản của doanh nghiệp, về quyết định có phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không hay vẫn thực hiện việc phá sản doanh nghiệp.
Từ những phân tích ở trên, khi bạn được xác định là một chủ nợ có công nợ cần thanh toán với công ty này thì bạn sẽ có quyền tham gia trong việc giải quyết thủ tục phá sản của công ty này. Trường hợp này, khi Tòa án có quyết định tuyên bố công ty này phá sản, thì bạn – một trong những chủ nợ cũng sẽ được thanh toán công nợ theo thứ tự thanh lý và phân chia tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản được quy định tại Điều 54 Luật phá sản năm 2014 như sau:
“Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
đ) Thành viên của Công ty hợp danh.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật phá sản năm 2014 được trích dẫn ở trên, khi công ty này bị tuyên bố phá sản thì khoản nợ của bạn cũng sẽ được thanh toán nếu như sau khi đã thanh toán xong các khoản chi phí theo thứ tự ưu tiên như chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, mà giá trị tài sản của công ty này còn lại vẫn đảm bảo thanh toán cho bạn. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán cho bạn và tất cả các đối tượng theo thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 54 Luật phá sản năm 2014 nêu trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Do vậy, nếu thuộc trường hợp này, ít nhiều bạn vẫn được đảm bảo về việc thanh toán một phần hoặc toàn bộ công nợ. Trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình, nếu bạn không nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này thì cũng cần theo dõi tình hình doanh nghiệp, và kịp thời gửi giấy đòi nợ khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 66 Luật phá sản năm 2014.
- Trường hợp 2: Công ty này đã phá sản, đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án:
Khi một doanh nghiệp đã chính thức phá sản, có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án có thẩm quyền thì doanh nghiệp này đã chấm dứt hoạt động, chấm dứt sự tồn tại trên thực tế. Do vậy, trường hợp này, nếu chưa được giải quyết về việc thanh toán công nợ đối với công ty này trong thời gian tiến hành thủ tục phá sản thì bạn sẽ không thể đòi được nợ và phải chấp nhận rủi ro đối với khoản nợ này.
Trường hợp này nếu bạn là một chủ nợ của doanh nghiệp này thông qua việc phát sinh công nợ từ việc thực hiện hợp đồng thầu xây dựng mà không được thông báo, cũng không biết về việc mở thủ tục phá sản, dẫn đến việc không tiến hành được thủ tục gửi giấy đòi nợ hay tham gia vào hội nghị chủ nợ thì trường hợp này, bạn có quyền làm thủ tục khiếu nại về việc quyết định tuyên bố công ty này phá sản để đòi quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, trường hợp này rất khó xảy ra trên thực tế, bởi, cho dù vì nhiều lý do khách quan, bạn không biết về thủ tục phá sản thì khi xem xét hồ sơ, hợp đồng của công ty đang lâm vào tình trạng phá sản, không thể không phát hiện ra công nợ của công ty từ hợp đồng thầu xây dựng với bạn, không thể không biết bên bạn cũng là một chủ nợ. Do vậy, bạn cần xem xét về tình hình thực tế để xác định.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp mà khả năng thanh toán công nợ với công ty lâm vào tình trạng phá sản sẽ có sự khác nhau. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, khi doanh nghiệp này chưa bị Tòa án tuyên bố phá sản, bạn có quyền làm đơn lên Tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà công ty này không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!