Thay đổi nơi đăng ký thường trú có buộc phải cấp đổi lại thẻ BHYT không? Thông tin cá nhân thay đổi có cần đính chính thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào, cho em về thông tin cá nhân BHYT xíu ạh, Em tham gia BHYT 10 năm rồi nhưng thông tin cá nhân trước giờ là: Đại chỉ Châu Thái Quỳ Hơp, Nghệ An. Nhưng 1 năm nay em chuyển hộ khẩu vào Bình Dương thông tin cá nhân thay đổi như số CMND, nơi ĐKHK thường trú vậy cho em hỏi giờ là sao? mình có cần thiết thông báo và thay đổi sao cho đúng như trong CMND không? Em xin chân thành cảm ơn nhiều ạh!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Bảo hiểm y tế có ý nghĩa quan trọng trong việc đi khám, chữa bệnh của người dân, giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính, đặc biệt trong những trường hợp phải sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn. Để thuận tiện cho người tham gia bảo hiểm y tế, quy định của pháp luật để cho người dân được đăng ký nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp với nơi cư trú của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi thay đổi nơi đăng ký thường trú thì câu hỏi đặt ra là có bắt buộc phải đổi lại thẻ bảo hiểm y tế hay giữ nguyên thì có được đảm bảo quyền lợi hay không?
Bạn tham gia bảo hiểm y tế được 10 năm theo địa chỉ tại Châu Thái, Quỳ Hợp, Nghệ AN. Nay bạn chuyển hộ khẩu và thay đổi nơi thường trú tại Bình Dương.
Căn cứ theo Điều 19 Luật bảo hiểm y tế năm 2008 quy định các trường hợp đổi thẻ bảo hiểm y tế như sau:
“Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi trong trường hợp sau đây:
a) Rách, nát hoặc hỏng;
b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
c) Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
2. Hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia bảo hiểm y tế;
b) Thẻ bảo hiểm y tế.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức bảo hiểm y tế phải đổi thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ đổi thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
4. Người được đổi thẻ bảo hiểm y tế do thẻ bị rách, nát hoặc hỏng phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí đổi thẻ bảo hiểm y tế.”
Theo quy định trên, có 03 trường hợp người sử dụng phải đổi thẻ bảo hiểm y tế bao gồm: Rách, nát hoặc hỏng; Thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu; Thông tin ghi trong thẻ không đúng. Trong đó, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên theo đăng ký của người tham gia bảo hiểm y tế và được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế. Về quyền lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được quy định tại Điều 26 Luật bảo hiểm y tế năm 2008, cụ thể:
“Điều 26. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.
3. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.”
Đối chiếu quy định trên, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền lựa chọn nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi cư trú của người tham gia bảo hiểm y tế.
Bạn thay đổi nơi đăng ký thường trú thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải đổi thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nếu bạn đăng ký thường trú tại Bình Dương và giữ nguyên nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Nghệ An thì sẽ bất tiện cho bạn trong quá trình thăm khám. Khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bạn chỉ được hưởng mức bảo hiểm y tế thấp hơn so với mức hưởng đúng tuyến, tùy thuộc vào tuyến bệnh viện thăm khám. Do đó, trường hợp này bạn nên làm thủ tục đổi lại thẻ bảo hiểm y tế khi thay đổi nơi đăng ký thường trú. Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:
+ Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia bảo hiểm y tế
+ Thẻ bảo hiểm y tế
+ Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!