Thời gian nhận được tiền đền bù thu hồi đất nông nghiệp. Ủy ban nhân dân xã thu hồi đất nông nghiệp có đúng thẩm quyền không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cách đây 3 năm UBND xã em có thu đất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu của các hộ dân cư trong làng em để xây cung thiếu nhi. Lúc thu đất đã thống nhất được với người dân về giá đền bù, người dân có ký hợp đồng bán đất cho UBND xã. Tuy nhiên cung thiếu nhi đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm nhưng người dân chưa nhận được tiền đền bù của UBND xã. Bây giờ em cho hỏi em phải làm thủ tục như thế nào để yêu cầu UBND xã trả tiền đền bù đất cho người dân ạ. Trong 3 năm người làng em không có đất trồng lúa và hoa màu mà tiền cũng không có. Như vậy có thể coi người dân mất trắng đất không ạ. Khoản tiền đền bù không cao nhưng đối với người dân nó có thể giúp rất nhiều ạ. Em cảm ơn rất nhiều ạ.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Đền bù khi nhà nước thu hồi đất là hoạt động chi trả tiền cho người dân có đất bị thu hồi nhằm đảm bảo một phần cuộc sống cho người dân khi mất đi tư liệu sản xuất. Việc đền bù còn có ý nghĩa cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều tranh chấp liên quan đến công tác bồi thường, ngoài câu chuyện giá bồi thường chưa hợp lý còn có nhiều trường hợp chậm chi trả bồi thường, dẫn đến bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người có đất bị thu hồi.
Gia đình bạn có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng cung thiếu nhi cách đây 03 năm. Khi thu hồi đất, Nhà nước đã thống nhất với người có đất bị thu hồi về giá đền bù nhưng hiện tại cung thiếu nhi đã đi vào hoạt động 02 năm mà người dân chưa nhận được tiền đền bù. Trước hết, để được đền bù gia đình bạn cần đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 75 Luật đất đai năm 2013 như sau:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm
– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật đất đai mà chưa được cấp.
Nếu đủ các điều kiện trên thì gia đình bạn được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Trình tự thu hồi, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo Điều 69 Luật đất đai năm 2013 như sau:
– Bước 1: Thông báo thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, gửi đến từng người có đến thu hồi, họp phổ biến cho người dân và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tiến hành kế hoạch thu hồi, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất không tự nguyện phối hợp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người thu hồi đất không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện.
*Thẩm quyền thu hồi đất theo Điều 66 Luật đất đai năm 2013 quy định:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
++Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
++Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện:
++Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
++Thu hồi đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Đất của gia đình bạn bị thu hồi thuộc trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình nên thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện
– Bước 2: Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần niêm yết công khai lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi phương án chi tiết được lập, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phòng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất.
Hình thức lấy ý kiến là: tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đống thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại, lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án bồi thường và trình cơ quan có thẩm quyền.
– Bước 3: Thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
– Bước 4: Công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường đến từng người có đất thu hồi, ghi rõ mức bồi thường, hỗ trợ, thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
– Bước 5: Thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tại Điều 93 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“Điều 93. Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
2. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
3. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.
4. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Dẫn chiếu quy định trên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Nếu chậm chi trả thi khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ thì ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ đã được công khai, người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Ngoài ra, do đất nhà bạn là đất nông nghiệp nên khi nhà nước thu hồi đất, bản chất là gia đình bạn mất đi tư liệu sản xuất nên gia đình bạn còn có thể được nhận một khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai năm 2013 quy định các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất bao gồm:
+ Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
+ Hỗ trợ đào tạo, chuyển đồi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Tại Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
“Điều 20. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây:
a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương;
b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người thu hồi đất nông nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải lấy ý kiến của người thu hồi đất.”
Kết luận, thời gian chi trả tiền bồi thường là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất. Ngoài khoản bồi thường, khoản tiền chậm bồi thường trên gia đình bạn có thể được nhận thêm khoản tiền hỗ trợ. Trường hợp 03 năm mà gia đình bạn chưa được chi trả thì gia đình bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!