Thời gian xuất trình hóa đơn khi bị kiểm tra hàng hóa. Mức xử phạt kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Tóm tắt câu hỏi:
LS cho em hỏi: em kinh doanh bên phu tùng xe máy. Ngày 23/1/2018 mua hàng công ty từ Sài Gòn về miền tây. Công an kinh tê vĩnh long kêu xe chành lại và kiểm hàng hóa. Cơ máy in cong ty hư nên hôm sau mới gửi về sau. Sau đó hàng hóa bị tịch thu. Khi công ty gửi hóa đơn về. Em qua đưa giấy tờ hợp lệ. Nhưng công an nói theo thông tư 64. Khi hàng hóa lưu thông trên đường. Tại thời điểm kiểm tra không trình xuất được hóa đơn hàng nhập khẩu coi như hàng lậu. Tịch thu, không chấp nhận hóa đơn bổ sung sau đó. Luật sư cho em hỏi thông tư 64 em xem cũng không có ghi là tịch thu hàng hóa cho dù bổ sung hóa đơn. Dạ em cảm ơn luật sư ạ.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Tại khoản 1, 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định về thời hạn xuất hóa đơn chứng từ như sau:
“1. Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra.
3. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhưng cơ quan kiểm tra có căn cứ xác định nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu không hợp pháp thì cơ quan kiểm tra thực hiện việc tạm giữ hàng hóa, đối chiếu hồ sơ, xác minh làm rõ nguồn gốc hàng hóa đó để xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu.”
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định ngay tại thời điểm kiểm tra. Trong quá trình công ty bạn vận chuyển phụ tùng xe máy nhập khẩu từ Sài Gòn về miền Tây thì công an có quyền kiểm tra hóa đơn chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của mặt hàng này ngay tại thời điểm kiểm tra. Với tùy từng loại hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa khác nhau sẽ quy định các loại hóa đơn, chứng từ tương ứng khác nhau. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này:
– Đối với hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu khi bày bán tại các cửa hàng hoặc lưu kho:
+ Đối với trường hợp cửa hàng hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ
+ Đối với trường hợp cửa hàng hạch toán độc lập hoặc không cùng địa bàn với trụ sở chính: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn
+ Đối với trường hợp hàng hóa lưu kho: Phiếu nhập kho
– Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho: phải có hóa đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP
– Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh điều chuyển hàng hóa nhập khẩu cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở kinh doanh đó đóng trụ sở hoặc điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc; xuất trả hàng từ đơn vị phụ thuộc về cơ sở kinh doanh; xuất hàng đi chào hàng; xuất hàng tham gia hội chợ, triển lãm: hóa đơn hoặc Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động.
– Đối với hàng hóa là sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ; nguyên, phụ liệu của các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc các hợp đồng nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam
+ Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố: bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ;
+ Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng trực thuộc khác địa bàn hoặc cửa hàng trực thuộc cùng địa bàn hạch toán độc lập: bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn theo quy định;
+ Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bán cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác: hóa đơn theo quy định
+ Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu phục vụ hợp đồng gia công, sản phẩm gia công bán vào nội địa theo chỉ định của đối tác thuê gia công: tờ khai hải quan đã xác nhận thông quan theo quy định.
– Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển bán thành phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu để gia công lại tại cơ sở gia công khác: Hợp đồng gia công lại kèm theo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu mua của cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu: hóa đơn do cơ quan có chức năng bán hàng tịch thu lập trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, giá trị từng loại hàng hóa.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu mua của cơ quan Dự trữ quốc gia: hóa đơn bán hàng của cơ quan Dự trữ quốc gia.
– Đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng miễn thuế; hàng hóa miễn thuế bán trong các khu kinh tế cửa khẩu, nếu thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa: hàng hóa khi lưu thông trên thị trường cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có chứng từ chứng minh hàng hóa đã được kê khai, bản chính biên lai thu thuế nhập khẩu.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch này thì hàng hóa bị coi là nhập lậu khi đang trên đường vận chuyển không xuất được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra.
“Điều 6. Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính
1. Hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu:
a) Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp trong thời hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này;”
Tại điểm a khoản 2 Điều này quy định về trường hợp áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính:
“2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu mua, bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về hóa đơn, chứng từ tại Chương II Thông tư này nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như sau:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu bị xử phạt theo Nghị định số Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng”.
Do đó, bên bạn tại thời điểm kiểm tra mà không xuất trình được hóa đơn chứng từ khi đang trên đường vận chuyển với phụ tùng xe máy thì hàng hóa này sẽ bị coi là hàng nhập lậu và chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Việc bổ sung hóa đơn, chứng từ sau sẽ không được chấp nhận. Tại Điều 17 Nghị định này được sửa đổi bởi nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 17. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu
1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
…
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện vận tải đối hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không được phép lưu thông, lưu hành hoặc không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không được phép lưu thông, lưu hành hoặc không bảo đảm an toàn sử dụng đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này”.
Theo đó, bạn với mức giá trị hàng hóa khác nhau bạn sẽ bị xử phạt với mức tiền khác nhau và sẽ bị tịch thu toàn bộ số hàng này, nếu giá trị tang vật vi phạm từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm và không được phép bổ sung hóa đơn, chứng từ sau khi đã bị tịch thu.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!