Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm thì bản án, quyết định đó có được đưa ra thi hành không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích. Sau khi cơ quan CA điều tra, giám định tôi mất 15% sức khỏe. Viện kiểm sát truy tố. Toà sơ thẩm tuyên 9 tháng tù ở và một khoản tiền bồi thường. Bị cáo làm đơn phúc thẩm lên cấp tỉnh. Sau 4 tháng kể từ khi cấp sơ thẩm tuyên án tới nay, bị cáo vẫn ở nhà làm ăn,sinh hoạt bình thường. Bản thân tôi từ đó tới nay vẫn không thấy cơ quan chức năng trả lời cũng như tiền bồi thường. Bức xúc vì những vấn đề trên, tôi có lên toà án hỏi nhưng vẫn không được trả lời rõ ràng,thỏa đáng! Vậy tôi có làm đơn khiếu nại được không? và thủ tục như thế nào? Mong luật sư tư vấn! Xin cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hình sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
Hiện nay, trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành có quy định về việc Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không phải lúc nào cũng có hiệu lực pháp luật ngay mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định, dẫn đến việc phải được xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm một bản án, một quyết định của Tòa án sơ thẩm là bao lâu luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là các đường sự trong một vụ án hình sự. Trường hợp của bạn là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, “xét xử phúc thẩm”, theo quy định tại Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, được xác định là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Có thể thấy, việc thực hiện thủ tục xét xử phúc thẩm được thực hiện sau khi người có quyền kháng cáo, kháng nghị không đồng ý với quyết định hay bản án đã tuyên của Tòa án cấp sơ thẩm và họ đã làm thủ tục kháng cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Về quy trình thực hiện thủ tục xét xử phúc thẩm khi có kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:
– Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tuyên án bản án sơ thẩm thì người có thẩm quyền kháng cáo (được quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) sẽ phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
– Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, theo quy định tại Điều 334, 338 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Trường hợp kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định. Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi thông báo bằng văn bản về việc kháng cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người có liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo.
– Cùng với việc thông báo về việc kháng cáo thì theo quy định tại Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án cấp sơ thẩm cũng phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo.
– Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có),theo quy định tại Điều 340 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
– Sau khi thụ lý vụ án, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời gian 15 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án. Trường hợp vụ án này thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
– Sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa trong thời gian được quy định tại Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 346. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
4. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.”
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể từ Điều 330 đến Điều 346 của Bộ luật này, có thể thấy, tính sơ bộ, thời gian từ khi Tòa án sơ thẩm tuyên án, sau đó có kháng cáo cho đến thời điểm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm thì cũng vào khoảng tầm 3 – 4 tháng, chưa tính đến các trường hợp thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị, kháng cáo quá hạn được chấp nhận…
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho việc xét xử phúc thẩm một vụ án hình sự, thì người bị hại – một trong những người liên quan đến vụ việc cũng được Tòa án sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo, và có quyền nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Tòa phúc thẩm, được lưu ý kiến vào hồ sơ vụ án.
Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn là người bị hại trong một vụ án cố ý gây thương tích, bị mất 15% sức khỏe. Tòa án sơ thẩm đã tuyên bị cáo 9 tháng tù giam và phải bồi thường cho bạn một khoản tiền. Bị cáo đã làm đơn kháng cáo phúc thẩm lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đã 04 tháng kể từ thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án đến nay, vẫn chưa có kết quả giải quyết, bị cáo vẫn ở nhà sinh hoạt, làm ăn bình thường, bạn cũng không nhận được câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng khi có sự thắc mắc về việc chưa giải quyết thủ tục xét xử phúc thẩm, chưa được bồi thường.
Trường hợp này, bạn không nói rõ bạn nhận được thông báo về việc kháng cáo từ thời gian nào. Tuy nhiên, có thể thấy đã 04 tháng mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn chưa mở phiên Tòa xét xử phúc thẩm thì vẫn chưa vượt quá thời gian mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, nếu thời gian chuẩn bị xét xử kéo dài quá lâu so với quy định của pháp luật thì đang có sự vi phạm về thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn – người bị hại có thể trực tiếp đến gặp Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm, hoặc có đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sớm đưa vụ án này ra xét xử. Nếu vẫn không được giải quyết thì bạn có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đang thụ lý vụ án về hành vi chậm giải quyết thủ tục xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 469 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Ngoài ra, về vấn đề đến tại thời điểm hiện tại, bạn là người bị hại nhưng vẫn chưa được giải quyết về vấn đề bồi thường thiệt hại từ bị cáo, dù bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó khá lâu, còn việc kháng cáo, xét xử phúc thẩm chưa được giải quyết thỏa đáng. Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì:
“Điều 339. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này.
…”
Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án hay chỉ một phần bản án bị kháng cáo, phần nội dung nào của bản án không bị kháng cáo. Do thông tin bạn không nói rõ, nên bạn cần căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định, tuy nhiên nếu căn cứ theo quy định tại Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên, nếu bị cáo chỉ kháng cáo một phần bản án mà phần nội dung bản án sơ thẩm về việc bồi thường cho bạn không bị kháng cáo thì về mặt nguyên tắc, phần nội dung bản án này vẫn được thi hành, bạn vẫn có quyền yêu cầu thi hành án với phần nội dung bản án này. Còn phần nội dung bản án của Tòa án sơ thẩm bị kháng cáo thì chưa thực hiện việc thi hành. Nếu kháng cáo toàn bộ bản án thì việc chưa thi hành phần nội dung bản án sơ thẩm về việc bồi thường cho bạn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
Như vậy, qua phân tích ở trên, thời gian từ khi kháng cáo bản án sơ thẩm mà Tòa án sơ thẩm đã tuyên đến thời điểm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm thông thường là từ 3 – 4 tháng. Trong đó thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thông thường từ 2 – 3 tháng kể từ thời điểm nhận được hồ sơ vụ án và nó tùy thuộc vào Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm là Tòa án nào. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cơ quan tiến hành tố tụng có đang vi phạm thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, từ đó có biện pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mình. Do thông tin bạn không nêu rõ nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!