Thời hạn trả lại xe bị tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn. Xử lý vật chứng trong vụ việc hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Anh của em điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông. Nhưng người kia say rượu và qua đường không bật xi nhan. Bây giờ cả 2 xe đều bị giam. Bây giờ xin hỏi luật sư là bên nào đúng bên nào sai. Nếu sai thì phải bồi thường như thế nào. Trong thời gian bao nhiêu ngày thì có thể lấy lại xe? mong quý luật sư vui lòng giải đáp câu hỏi của em ạ!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015
2. Giải quyết vấn đề:
Tai nạn giao thông là người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.Hiện nay tai nạn giao thông đang ở mức cao gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để khắc phục tình trạng này nhà nước đã chế tài xử phạt. Trong trường hợp của bạn, anh trai bạn có tham gia giao thông và gây tai nạn bạn lưu ý những yếu tố sau để xem xét trường hợp này.
Bạn không trình bày rõ sự việc của bạn, Bạn cần phải làm việc với cơ quan công an để xem xét lỗi xảy ra vi phạm giao thông.
Trường hợp 1, tai nạn giao thông hoàn toàn không do lỗi của bạn mà do lỗi của bên bị hại thì bạn không phải có trách nhiệm bồi thường nhưng khi có tai nạn giao thông xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết.
Trường hợp 2. Nếu vụ tai nạn giao thông đường bộ hoàn toàn do lỗi của bạn hoặc lỗi hỗn hợp cả hai có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện và bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền. Chiếc xe của bạn gây tai nạn được coi là tang vật, phương tiện phạm tội nên được xử lý theo Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về xử lý vật chứng như sau:
“Điều 106. Xử lý vật chứng
……
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thời gian giữ phương tiện gây tai nạn phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ án. Nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lại phương tiện cho bạn. Bạn có thể làm đơn đến phía cơ quan công an để xin nhận lại phương tiện.
Nếu lỗi hoàn toàn của người gây ra tai nạn thì bạn có quyền yêu cầu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe của bạn căn cứ Điều 589 và Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
+ Bồi thường toàn bộ tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
+ Bồi thường thiệt hại do lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
+ Bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị
+ Bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!