Thủ tục đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam với người Hàn Quốc như thế nào? Trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi luật Dương Gia! Tôi tên là Nguyễn Thị Huyền Trang. Tôi xin nhờ luật Dương Gia tư vấn một việc như sau. Tôi là người Việt Nam, bạn trai tôi là người Hàn Quốc. Cả hai chúng tôi đều sống và làm việc tại Nhật Bản. Nay chúng tôi có ý định đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Xin nhờ luật Dương Gia tư vấn về hồ sơ thủ tục. Vì đặc thù công việc chúng tôi không có nhiều thời gian rảnh, chúng tôi muốn nhờ Luật Dương Gia làm dịch vụ có được không? Mong sớm nhận được hồi đáp từ phía Luật Dương Gia. Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Cơ sở pháp lý:
+ Luật hôn nhân và gia đình 2014;
+ Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.
Giải quyết yêu cầu:
Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn theo Điều 126 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Do đó, điều kiện để hai bạn kết hôn phải thỏa mãn pháp luật theo quốc tịch của mỗi bên. Cụ thể, công dân Việt Nam tuân thủ các điều kiện theo pháp luật Việt Nam. Công dân tuân thủ các điều kiện theo pháp luật nước Hàn Quốc.
Nếu bạn hiện tại đang thường trú tại Việt Nam thì hai bạn có thể đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
* Về hồ sơ:
1. Tờ khai đăng kí kết hôn với người nước ngoài, có chữ kí và dán ảnh của 2 bên nam nữ;
2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi mà người đó là công dân cấp, cả hai giấy tờ trên không không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ.
3. Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch chưa quá 06 tháng.
4. Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú trong nước); thẻ thường trú hoặc chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài).
– Nộp hồ sơ tại Phòng tư pháp nơi bạn có hộ khẩu thường trú.
* Trình tự thủ tục giải quyết:
– Thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân:
+ Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
+ Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
+ Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu.
– Trình tự đăng ký kết hôn:
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
+ Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Sau thời hạn hơp lệ tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn, xác minh của Phòng tư pháp hợp pháp các bạn thực hiện lễ đăng ký kết hôn tại Sở tư pháp. Thủ tục lễ kết hôn thực hiện theo Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Sau khi thực hiện xong hai bạn được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được cấp kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!