Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động. Quy định về thời gian, mức hưởng chế độ tai nạn lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi bị tai nạn lao động khi đang làm việc, bị mù 1 mắt phải. Ngày sảy ra tai nạn là 20/11/2017. Sau đến ngày 12/12/2017 tôi khỏe và đã đến công ty và trình bày muốn làm thủ tục tai nạn để được hưởng chế độ. Đến bây giờ ngày 2/2/2018 công ty mới trả lời tôi là muốn làm sổ thương tật do tai nạn thì khó và không làm được "vì đã qua năm và đã chốt sổ hết rồi"... Vậy tôi xin được hỏi luật sư là qua sự việc trên tôi phải làm gì để có được quyền lợi.??? Xin cảm ơn!!!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015
- Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH
- Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH
2. Giải quyết vấn đề
Tại Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động khi suy giảm khả năng lao động 5% trở lên do bị tai nạn với:
+ Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Khi xảy ra tại nạn lao động thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động để có biện pháp khắc phục kịp thời căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 Luật này. Thời gian giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động được quy định tại Điều 59 Luật này:
“Điều 59. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mà nhận đủ hồ sơ của người lao động bị tai nạn lao động thì công ty của bạn phải nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết trong thời hạn 10 ngày, nếu không giải quyết phải trả lời bằng văn bản. Ngày 12/12/2017, bạn có đến công ty trình bày muốn làm thủ tục hưởng bảo hiểm tai nạn lao động mà đến ngày 2/2/2018 công ty mới trả lời là đã quá thời hạn là trái với quy định pháp luật. Pháp luật không quy định về việc giới hạn thời gian nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động với người lao động nên bây giờ bạn vẫn có thể làm hồ sơ. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật này, hồ sơ bao gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợpnội trú.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Mức hưởng trợ cấp được quy định tại Điều 48, 49 Luật này và được hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, theo đó:
+ Nếu bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, bạn còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
+ Nếu bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Bạn bị mù 1 mắt phải, mắt còn lại bình thường và nếu chưa khoét bỏ nhãn cầu thì tỷ lệ tổn thương là 41% căn cứ theo quy định tại điểm 2.2 Mục 10 bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương cơ quan Thị giác theo Bảng 1 kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH. Do bạn chưa nói rõ mình bị suy giảm bao nhiêu phần trăm, bạn có thể đối chiếu với nội dung trên để được xác định mức hưởng cho mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!