Thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần khi đã nghỉ việc. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi đã nghỉ việc
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tại tôi đã nghỉ công ty mà mình công tác và đã đóng được bảo hiểm gần, hai năm xin được tư vấn nếu tôi muốn rút tiền trong sổ bảo hiểm ra có được không và nếu rút được thì bao nhiêu (mức lương cơ bản là 3 tr )
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Nghị quyết 93/2015/QH13
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
- Nghị định 115/2015/NĐ-CP
- Thông tư 56/2017/TT-BYT
2. Giải quyết vấn đề
Tại khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định như sau:
“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”
“Điều 1.
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”
Theo đó nếu bạn có một trong các điều kiện sau thì sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần:
+ Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội
+ Ra nước ngoài định cư
+ Người mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ -chướng,… (các bệnh được quy định tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT)
+ Sau một năm nghỉ việc và không đóng bảo hiểm xã hội, có yêu cầu nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Bạn đã đóng bảo hiểm được 2 năm nếu không ra nước ngoài định cư hoặc mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như trên nếu muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì phải đợi sau một năm nghỉ việc và không đóng bảo hiểm xã hội trong một năm này. Khi đó, bạn cần nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện nơi bạn đang cư trú hiện nay. Thời gian giải quyết là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Căn cứ theo quy định tại Điều 109 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội
+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để đối chiếu
+ Đơn đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (mẫu 14-HSB)
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 và Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính như sau:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội = 1,5 * Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội * Thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 + 2 * Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội * Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi
Mức bình quân tiền lương = Tổng của các (số tháng đóng bảo hiểm xã hội * hệ số điều chỉnh * mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) chia cho tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Hệ số điều chỉnh được quy định trong Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH. Do bạn không cấp thời gian cũng như mức đóng cụ thể nên bạn có thể tham khảo quy định bên trên để tự xác định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!