Hồ sơ, thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn. Hậu quả pháp lý thay đổi thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập.
Theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp 2014 thì khi một doanh nghiệp tồn tại và hoạt động thì cần phải thực hiện thủ tục đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhằm ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp tại cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng thông tin quốc gia và hạ tầng kỹ thuật hệ thống với mục đích để kiểm soát tất cả các vấn đề về thành viên, vốn góp… xung quanh quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Và tương tự như vây, để đảm bảo tính tự do và linh hoạt, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp có thể thay đổi đăng ký doanh nghiêp (còn gọi là thay đổi đăng ký kinh doanh) thực chất là thay đổi về nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật liên quan.
1. Thay đổi cổ đông sáng lập của công ty cổ phần.
Căn cứ theo Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về các trường hợp Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thì khi thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần thì Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng kinh doanh khi có thay đổi này, theo trình tự, thủ tục như sau:
– Trường hợp thay đổi cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:
+ Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập đối với cổ đông sáng lập là tổ chức hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị 78/2015/NĐ-CP đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;
+ Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập của công ty trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông công ty và xóa tên khỏi Danh sách cổ đông sáng lập của công ty.
– Trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, kèm theo các giấy tờ như trường hợp một nêu trên thì hồ sơ thông báo phải có:
+ Danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;
+ Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
+ Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
– Trường hợp cổ đông sáng lập là tổ chức đã bị sáp nhập, bị tách hoặc hợp nhất vào doanh nghiệp khác, việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập thực hiện như trường hợp đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần với thủ tục nêu trên. Trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng sáp nhập hoặc quyết định tách công ty hoặc hợp đồng hợp nhất doanh nghiệp được sử dụng thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng.
– Việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong trường hợp tặng cho, thừa kế cổ phần được thực hiện như thủ tục nếu trên với trường hợp thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng hợp đồng tặng cho cổ phần hoặc bản sao hợp lệ văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp.
Trường hợp hồ sơ thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
2. Thay đổi thành viên góp vốn.
Thứ nhất: Đăng ký thay đổi thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 quy định thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác trong trường hợp:
+ Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
+ Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
Theo trình tự, thủ tục sau đây:
– Trường hợp tiếp nhận thành viên góp vốn mới, công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:
+ Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
+ Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đối với thành viên là cá nhân; giá trị vốn góp và phần vốn góp, thời điểmgóp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng và giá trị của từng loại tài sản góp vốn của các thành viên mới;
+ Phần vốn góp đã thay đổi của các thành viên sau khi tiếp nhận thành viên mới;
+ Vốn điều lệ của công ty sau khi tiếp nhận thành viên mới;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Kèm theo Thông báo phải có:
+ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thành viên mới;
+ Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;
+ Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với thành viên là tổ chức hoặc bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của thành viên là cá nhân;
– Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
Quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Trường hợp thay đổi thành viên góp vốn do chuyển nhượng phần vốn góp;Trường hợp thay đổi thành viên góp vốn do thừa kế; Trường hợp đăng ký thay đổi thành viên do có thành viên không thực hiện cam kết góp vốn; Đăng ký thay đổi thành viên do tặng cho phần vốn góp được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương tự và với hồ sơ đặc thù tùy từng trường hợp theo quy định tại 45 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Thứ hai: Thay đổi thành viên góp vốn trong công ty hợp danh.
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về thay đổi thành viên của công ty hợp danh thì không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thay đổi thành viên góp vốn của công ty hợp danh và chỉ khi thay đổi thành viên góp vốn làm thay đổi vốn điều lệ thì phải làm thủ tục thay đổi vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với bản chất là khi thay đổi thành viên trong công ty sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý nhất định đối với quyền và nghĩa vụ của thành viên cũng như là quyền, nghĩa vụ của thành viên đối với công ty, đối với những khoản tài chính của công ty, đối với chủ nợ, vì vậy, nên cần phải đáp ứng đủ những điều kiện nhất định và thực hiện theo những trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nêu trên thì doanh nghiệp mới được pháp luật công nhận và đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi pháp sinh liên quan sau khi thực hiện hoạt động thay đổi thành viên công ty.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật doanh nghiệp của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp tại văn phòng, tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!