Thủ tục xác nhận cha cho con và yêu cầu cấp dưỡng. Thẩm quyền giải quyết thủ tục xác nhận cha cho con.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào các ban ngành chính xác ạ. Cháu năm nay chưa tròn 18 tuổi. Cháu cưới vào năm 2016 nhưng chưa được đăng ký kết hôn . Đến ngày 10/5/2018 thì gia đình cháu xảy ra mâu thuẫn. Gia đình Chồng đánh đập đuổi cháu nhưng đến nay gia đình Chồng không nhận con dâu với cháu nội. Vậy bây giờ cháu muốn hỏi các bác là cháu đòi hỏi gia đình chồng cung cấp cho con của cháu cho đến khi con của cháu đủ 18 tuổi không ạ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn và chồng bạn chưa được đăng ký kết hôn về mặt pháp lý, mới được tổ chức đám cưới theo tập quán. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật hôn nhân, gia đình và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định pháp luật thì không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, bạn và chồng không đăng ký kết hôn nhưng không ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con giữa ba cháu và cháu. Khoản 4 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới tính hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ:
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
…
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con được quy định theo pháp luật hôn nhân và gia đình như sau:
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Do đó, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha với con không phân biệt quan hệ hôn nhân của bố mẹ, bố không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo quy định trên bố cháu phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu. Để chồng bạn phải chu cấp tiền nuôi dưỡng cháu thì trước hết phải có văn bản của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận chồng bạn là cha đẻ của cháu. Nếu chồng bạn tự nguyện nhận con thì thủ tục xác nhận cha cho con được quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật hộ tịch.
“Điều 19. Đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.
2. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha – con hoặc quan hệ mẹ – con;
c) Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.
Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.”
Trường hợp chồng bạn và gia đình nhà chồng không muốn nhận con, còn bạn lại muốn xác định chồng bạn là cha của con bạn – như vậy đã có tranh chấp về việc xác định cha cho con. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014 :“Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này” và khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 “4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.” thì bạn có quyền làm đơn gửi đến Tòa án quận/huyện nơi cử trú của chồng bạn (trường hợp hai bên thỏa thuận thì có thể nộp đơn tại Tòa án nơi bạn cư trú) yêu cầu xác định chồng bạn là cha của con bạn, đồng thời yêu cầu chồng bạn phải cấp dưỡng cho cháu.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!