Tiền lương đối với giáo viên dạy nghề. Có được tính tiền lương của giáo viên dạy lái xe theo chế độ lương khoán không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em làm việc tại 1 trung tâm đào tạo lái xe. Em xin luật sư tư vấn về các chế độ, chính sách liên quan tới giáo viên dạy lái xe (dạy sơ cấp nghề) như: hợp đồng lao động, cách tính tiền lương…. Hiện tại trung tâm đang trả lương cho giáo viên theo chế độ của lương khoán (trên mức cơ bản vùng) như vậy có hợp lý không? Ngoài ra trung tâm dự định thuê thêm giáo viên dạy theo khóa học (trên 3 tháng) thì ký kết hợp đồng lao động theo thời vụ có được không? Số giáo viên thì tính mức lương thuê theo giờ giảng dạy có được không? Nếu không thì tính như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Do bạn không nói rõ chức danh nghề nghiệp cụ thể của bạn là gì, bạn được tuyển dụng vào giảng dạy hay giữ chức vụ gì, có trực tiếp đứng lớp hay không do đó, không có căn cứ trực tiếp để xác định ngạch chính xác của bạn. Theo quy định tại điều 25 Nghị định 139/2006/NĐ-CP như sau:
” Điều 25. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề
1. Giáo viên dạy nghề của cơ sở dạy nghề công lập được hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương đối với nhà giáo theo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Giáo viên dạy nghề của cơ sở dạy nghề tư thục được hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật lao động và được ghi trong hợp đồng lao động.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên tự học tập, bồi dưỡng đạt chuẩn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia dạy nghề.
3. Giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề thuộc các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện về chỗ ở.
4. Giáo viên dạy nghề có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân.”
Hình thức trả lương theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
– Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
– Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
– Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
– Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động năm 2012.
– Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
– Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động lựa chọn hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc, khuyến khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể.
Về việc trả tiền lương thì người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý minh chứng về mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây chính là lý do Nhà nước yêu cầu trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Về việc giao kết hợp đồng theo quy định của hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
Như vậy, việc trung tâm dự định thuê thêm giáo viên dạy theo khóa học (trên 3 tháng) thì vẫn có thể ký kết hợp đồng lao động theo thời vụ dưới 12 tháng. Số giáo viên thì tính mức lương thuê theo giờ giảng dạy sẽ được các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà nhà nước quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!