Tội cướp giật tài sản có được hưởng án treo không? Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Bạn em vi phạm tội cướp giật tài sản bằng xe máy. Vật cướp là 2 điện thoại di động. Hiện giá có thể dưới 10 triệu. 1 cái cướp trước đó. 1 cái thì bị đối phương la lên, bạn em có quay lại trả và bị bắt. Hiện tại bạn em đang bị tạm giam đã 3 ngày và không có bất kì tin tức gì. Bạn em thuộc diện mới vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, ăn năn hối cải, thành thật khai báo, chưa gây ra thiệt hại lớn, không có tính chuyên nghiệp. Vậy luật sư cho em hỏi:
1. Bạn em sẽ bị tạm giam trong bao lâu? Và gia đình có thể bảo lãnh tại ngoại thành công hay không. Phải làm như thế nào?
2. Bạn em có thể bị kết án bao lâu?
3. Bạn em có khả năng hưởng án treo hay không? Cần những điều kiện gì? Mong sớm nhận được sự hồi đáp từ luật sư. Em xin chận thành cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
2. Giải quyết vấn đề
1. Bạn của bạn sẽ bị tạm giam trong bao lâu? Và gia đình có thể bảo lãnh tại ngoại thành công hay không. Phải làm như thế nào?
Về việc tạm giam bị can, bị cáo:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
+ Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;
+ Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
” Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”
Do đó, bạn của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm nghiêm trọng thì thời gian tạm giam là không quá ba tháng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng
Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
” Điều 92. Bảo lĩnh
1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc bảo lĩnh.
4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.
5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”
Căn cứ quy định trên thì trong giai đoạn điều tra thì gia đình bạn đó có thể làm đơn bảo lĩnh cho bạn đó. Tuy nhiên việc bạn đó có được bảo lĩnh hay không tại giai đoạn điều tra do thủ trưởng cơ quan điều tra quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ phạm tội của bạn đó, thì gia đình bạn đó có thể cử ra ít nhất hai người làm đơn xin bảo lãnh cho người nhà được tại ngoại, đơn này phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã – nơi người bảo lãnh cư trú, sau đó gửi đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.
2. Bạn của bạn có thể bị kết án bao lâu?
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999, nếu bạn của bạn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
– Về mặt khách quan
Hành vi giật tài sản nhanh chóng, công khai, có thể kết hợp với các thủ đoạn như lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý, bất ngờ giật lấy tài sản hoặc lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đang bị vướng mắc, đang điều khiển giao thông để giật tài sản mà người phạm tội có hành vi bỏ trốn.
Hậu quả là người phạm tội giật được tài sản
– Về mặt chủ thể
Người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và là chủ thể của tội phạm khi thỏa mãn về độ tuổi cũng như đầy đủ về năng lực trách nhiệm hình sự.
– Về mặt khách thể
Dấu hiệu chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc ở tội xâm phạm sở hữu. Hành vi của bạn của bạn là hành vi xâm phạm đến quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là xâm phạm đến các quan hệ về tài sản của con người.
– Về mặt chủ quan
Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích và động cơ, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm và là dấu hiệu không thể thiếu được của bất cứ cấu thành tội phạm nào. Như vậy, lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp.
3. Bạn của bạn có khả năng hưởng án treo hay không? Cần những điều kiện gì?
Theo quy định tại điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, nếu bạn của bạn thuộc diện mới vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, ăn năn hối cải, thành thật khai báo, chưa gây ra thiệt hại lớn, không có tính chuyên nghiệp, đã bồi thường thiệt hại gây ra, trả lại tài sản cho người bị hại thì sẽ được xem xét giảm nhẹ khung hình phạt nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn việc bạn của bạn có được hưởng án treo hay không thì sau khi có cơ quan điều tra gửi hồ sơ lên viện kiểm sát truy tố và đưa vụ án ra xét xử phải phụ thuộc vào phán quyết và quyết định bản án của tòa án theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!