Trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu khi nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi vấn đề về tách khẩu cho đứa cháu. Tôi là Dì của cháu. Cháu gái này của tôi không sống chung với mẹ cháu là chị gái của tôi từ khi con nhỏ vì gia đình bên nội bắt cháu về nuôi. Và nhà bên Nội cháu nuôi cháu từ nhỏ đến nay là 17 năm. Nhưng giấy tờ vẫn ở nhà tôi ( là nhà bà ngoại cháu) Năm nay cháu gái này có thai và sinh con với 1 người nào đó. Rồi về bắt gia đình tôi phải làm khai sinh cho con của nó. Gia đình tôi không chấp nhận. Trường hợp này gia đình tôi phải làm sao?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, về việc đăng ký khai sinh:
Căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh, nội dung giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật hộ tịch 2014.
Tại Điều 15 Luật hộ tịch 2014 quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:
“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
Như vậy, cha hoặc mẹ sẽ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà, người thân thích khác đang nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Do đó, nếu gia đình bạn không đi làm giấy khai sinh cho bé thì mẹ bé có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho con hoặc ông bà ngoại (bố mẹ của người mẹ) có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho cháu.
Về thủ tục đăng ký khai sinh thì căn cứ theo Điều 16 Luật hộ tịch 2014 quy định thì:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”
Như vậy, người đi khai sinh chỉ cần nộp tờ khai đăng ký khai sinh và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Thứ hai, về việc tách khẩu của người cháu:
Theo như bạn có trình bày, cháu gái bạn có hộ khẩu ở gia đình bạn từ nhỏ. Tuy nhiên, bạn cũng không nói rõ mẹ của cháu gái (chị gái của bạn) đang chung hộ khẩu với gia đình bạn hay không? Và cháu gái bạn năm nay bao nhiêu tuổi?
-Trường hợp chị gái của bạn có chung hộ khẩu với gia đình bạn thì việc cháu gái bạn nhập hộ khẩu theo mẹ thuộc trường hợp điểm a, khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2006:
“a) Vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con”.
-Trường hợp chị gái bạn không có chung hộ khẩu với gia đình bạn thì việc cháu gái bạn trước đây nhập khẩu theo gia đình bạn là trường hợp thuộc điểm d, khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2006 quy định:
“d, Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;”
Trường hợp bạn muốn tách khẩu cho cháu bạn thì căn cứ Điều 27 Luật cư trú 2006 quy định tách sổ hộ khẩu như sau:
“1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Như vậy, pháp luật quy định trường hợp người phải có đủ năng lực hành vi dân sự và có nhu cầu mới có thể làm thủ tục tách sổ hộ khẩu.
+ Nếu trường hợp cháu bạn dưới 18 tuổi thì xác định là người chưa đủ năng lực hành vi dân sự và không có nhu cầu tách hộ khẩu nên gia đình bạn sẽ không thể làm thủ tục tách hộ khẩu cho cháu bạn được. Nếu muốn làm thủ tục tách khẩu cho cháu bạn dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có người đại diện theo pháp luật của cháu bạn là bố, mẹ của cháu bạn (anh rể, chị ruột của bạn) đứng ra làm thủ tục tách khẩu.
+ Nếu trường hợp cháu bạn đủ 18 tuổi trở lên thì được xác định là người đã thành niên, đủ năng lực hành vi dân sự và không có nhu cầu tách hộ khẩu thì gia đình bạn cũng không thể làm thủ tục tách sổ hộ khẩu cho cháu bạn được.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!