Trách nhiệm hoàn trả khoản vay khi đến hạn với tổ chức tín dụng? Cho vay lãi suất cao hơn lãi suất của Nhà nước có phải là cho vay nặng lãi không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em xin chào văn phòng Luật Dương gia! Hiện tại em đang có 1 hợp đồng vay tín chấp 30 triệu đồng phải trả mỗi tháng cả gốc và lãi là 2.188.000 đồng trong vòng 2 năm. Vì tại thời điển này em đang thất nghiệp, chưa có khả năng trả tiền đúng ngày theo hợp đồng quy định thì em xin hỏi:
– Em phải có trách nhiệm j với bên công ty tín dụng kia?
– Số % lãi suất có cao hơn với điều luật cho vay của nhà nước mình đã đề ra không?
– Khi chưa đến hạn phải trả theo đúng ngày trong tháng mà hai bên đã ký hợp đồng vay, nhiều nhân viên trong công ty kia gọi điện cho cả em và người thân để đòi khoản vay với nhiều cuộc gọi vào nhiều thời gian khác nhau trong cùng 1 ngày thì họ làm thế có sai không ạ? Em xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
+ Điều 344, Điều 466 Bộ luật dân sự 2015
+ Điều 12 Luật viễn thông 2009;
+ Luật các tổ chức tín dụng 2010;
+ Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP.
2. Giải quyết tình huống:
Thứ nhất, tín chấp bản chất là dùng uy tín để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trong đó chủ thể là tổ chức chính trị – xã hội ở cấp cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của bạn không được coi là hợp đồng vay tín chấp vì không có sự tham gia bảo đảm bằng uy tín của bất kỳ tổ chức chính trị- xã hội nào mà chỉ có hợp đồng vay không có tài sản thế chấp. Do đó, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được giải quyết theo quy định về hợp đồng vay tài sản.
Thứ hai, về lãi suất của hợp đồng vay.
Vì đơn vị bạn vay là tổ chức tín dụng nên về lãi suất của tổ chức tín dụng sẽ áp dụng theo Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc lãi suất của tổ chức tín dụng áp dụng cho bạn nếu đã được niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh thì việc áp dụng lãi suất cho bạn là hoàn toàn phù hợp. Nếu mức lãi suất tổ chức tín dụng áp dụng cho bạn cao hơn mức lãi suất được niêm yết thì đặt ra vấn đề tổ chức tín dụng đã vi phạm khi áp dụng mức lãi suất.
Thứ ba, trong trường hợp đến hạn thanh toán mà bên vay không có khả năng thanh toán thì bên cho vay có quyền thực hiện các biện pháp như đã thỏa thuận trong hợp đồng vay. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ được thực hiện nếu không vi phạm các điều cấm của pháp luật cũng như chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể thì việc xử lý bên vay chậm thanh toán được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo lãi suất thỏa thuận, bạn còn phải trả lãi suất trên nợ gốc trong thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ và trả lãi trên nợ gốc quá hạn theo quy định tại điều 466 Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy, bạn cần căn cứ vào nội dung cụ thể của hợp đồng vay tài sản đã ký và các quy định của pháp luật để xác định quyền và nghĩa vụ của bản thân cũng như bên cho vay khi bạn chậm hoặc không có khả năng trả nợ.
Thứ tư, không có căn cứ để xử lý việc nhân viên của công ty tài chính thường xuyên gọi điện thoại cho bạn và người nhà để đòi khoản vay.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì pháp luật nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, cá nhân và tổ chức có thể bị xử lý hành chính nếu có hành sử dụng các cuộc gọi điện thoại để đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu nội dung các cuộc điện thoại chỉ đơn thuần là nhắc nhở về việc trả nợ thì rõ ràng không đủ căn cứ để xử lý những hành vi trên theo các quy định nêu trên. Trong trường hợp nội dung các cuộc điện thoại chứa đựng những lời lẽ đe dọa, những thông tin không chính xác hay gây ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày của bạn và gia đình thì bạn mới có cơ sở để nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!