Tranh chấp mối giới với hộ liền kề co xin cấp đổi sổ đỏ được không? Giải quyết tranh chấp ranh giới các thửa đất liền kề theo luật mới
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Văn phòng luật sư Luật Dương Gia, tôi có thắc mắc về tranh chấp đất đai rất mong các Luật sư giải đáp dùm tôi. Sự việc cụ thể như sau: Gia đình tôi hiện tại đang có Giấy chứng nhận sử dụng đất năm 1990 là 4291m2 và hiện nay do chính sách của nhà nước là đổi mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên bên địa chính có xuống gia đình tôi yêu cầu gia đình làm thủ tục để đổi mới. Nhưng muốn đổi mới thì cần phải đo đạc lại đất đai, nhưng gia đình tôi và hộ kế bên đang có tranh chấp ranh giới đất nên không thể đo đạc lại đất được. Mà ranh giới đất của 2 gia đình đã xác định từ năm 1996, khi hộ kế bên mua đất của người bán có đơn viết tay đi kèm, ranh đất được cắm bằng trụ gỗ giờ đã không còn. Trong thời điểm 1996 đến nay nhà kế bên đã làm từ giấy viết tay thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy tôi xin hỏi các luật sư nếu gia đình tôi dựa vào giấy viếy tay của hộ bán đất cho hộ đang tranh chấp với gia đình tôi, thì tôi có thể phục hồi được mốc ranh không ạ? Rất mong các luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cám ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa bất động sản như sau:
“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.”
Về ranh giới giữa các bất động sản liền kề sẽ thực hiện theo quy định trên. Như bạn trình bày: ranh giới đất của 2 gia đình đã xác định từ năm 1996, khi hộ kế bên nhà bạn mua đất của người bán có đơn viết tay đi kèm, ranh đất được cắm bằng trụ gỗ giờ đã không còn. Trong thời điểm 1996 đến nay nhà kế bên bạn đã làm từ giấy viết tay thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo như bạn trình bày, cả 02 hộ gia đình đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi có tranh chấp về ranh giới quyền sử dụng đất sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ địa chính của 02 thửa đất để giải quyết tranh chấp.
Căn cứ Điều 202 Luật Đất đai 2013 hiện hành quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hoà giải ở cơ sở, cụ thể:
+ Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
+ Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
+ Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
+ Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, đối với tranh chấp trên, trước tiên hai bên có thể tự hoà giải, nếu không tự hoà giải được thì bạn gửi yêu cầu đề nghị hoà giải đến Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) nơi có bất động sản đang có tranh chấp. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức hoà giải cho các bên. Trường hợp hoà giải thành, gia đình bạn và hàng xóm thống nhất lại được ranh giới đất đai của mình và có chênh lệch so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn và hàng xóm. Trường hợp hoà giải không thành thì lập biên bản hoà giải không thành, có chữ ký của các bên và xác nhận của địa phương về hoà giải không thành. Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Khoản1, Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
“1.Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”
Do diện tích đất của gia đình bạn và hàng xóm đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên sau khi hoà giải ở địa phương không thành, bạn có thể nộp đơn trực tiếp đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Ranh giới giữa các thửa đất cũng được thể hiện trong bản đồ địa chính của địa phương.
Việc khởi kiện để giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Căn cứ vào điểm c khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì trường hợp “đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản.
Các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, trong trường hợp này là các tài liệu sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp đối với thửa đất bị lấn chiếm;
– Biên bản hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Văn bản đo đạc, xác minh về việc thửa đất bị lấn chiếm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
– Trích lục hồ sơ địa chính đối với thửa đất có tranh chấp;
– Ngoài ra Tòa án có thể yêu cầu bổ sung thêm các loại tài liệu, chứng cứ liên quan khác.
Khi nộp đơn khởi kiện có kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét, nghiên cứu vụ án. Nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết thì Thẩm phán được phân công sẽ thông báo cho người khởi kiện để họ đến nộp tạm ứng án phí và thụ lý vụ án theo điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nếu cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ khởi kiện thì ra thông báo để người nộp đơn khởi kiện bổ sung thêm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!