Trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài. Đơn phương ly hôn nhưng không muốn về Việt Nam có xử lý được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào văn phòng luật! Tôi năm nay 31 tuổi. Hiện tại tôi đang đi xuất khẩu lao động tại hàn quốc. Tôi kết hôn từ năm 2013 và có 1 cháu gái 1 tuổi. Tôi muốn ly hôn một phía. Do tính chất công việc tôi không thể về việt nam để làm thủ tục được nên tôi xin văn phòng luật tư vấn giúp tôi: 1. Tôi có thể ly hôn mà không cần về việt nam hay không? 2. Nếu không cần về việt nam thì tôi cần làm những thủ tục gì? 3. Nếu tôi bắt buộc phải về việt nam thì tôi cần làm những thủ tục gì? 4. Và khi ly hôn có khả năng xảy ra tranh chấp tài sản không?( xin đọc tóm tắt bên dưới) nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được chia như thế nào? 5. Tôi có khả năng nhận được quyền nuôi con hay không? 6. Tôi muốn uỷ thác cho văn phòng luật. Vậy chi phí và thủ tục như thế nào? Sau đây tôi xin tóm tắt hoàn cảnh hôn nhân của tôi: vợ tôi là giáo viên. Chúng tôi kết hôn từ năm 2013. Tôi đi xuất khẩu lao động từ năm 2011. Do không được tìm hiểu kỹ nên sau khi kết hôn chúng tôi nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Giữa vợ và bố mẹ tôi cũng nảy sinh mâu thuẫn. Tuy mâu thuẫn không quá lớn nhưng do tích tụ lâu ngày dẫn đến tình cảm không còn được tốt. Hiện tại vợ tôi đang sống cùng bố mẹ tôi. Nhà đất đều do bố tôi đứng tên. Trước khi kết hôn cả hai đều không có tài sản riêng. Tiền tôi kiếm được trong thời gian lao động tại nước ngoài đều gửi vào tài khoản của vợ. Sau đó vợ tôi rút ra 1 phần đưa bố mẹ tôi xây nhà ( nhà hiện tại đang sinh sống ) còn lại vợ tôi chi tiêu sinh hoạt và đi học ( vợ tôi học cao học). Tất cả chi phí sinh hoạt gia đình như ăn uống điện nước đám cưới hay tiền ăn học đi lại của vợ đều do tôi chu cấp. Khoảng gần 1 năm nay do vợ chồng tôi mâu thuẫn quá lớn nên tôi chuyển qua gửi tiền cho mẹ tôi. Và hàng tháng mẹ tôi đưa cho vợ tôi 1 triệu tiền mua sữa cho cháu. Còn sinh hoạt phí mẹ tôi chu cấp hết. Vợ chống tôi không có tài sản gì lớn ngoài đồ dùng trong nhà. Tôi có mua 1 chiếc xe máy đứng tên tôi. Xe máy của vợ tôi là do mẹ vợ mua và đứng tên mẹ vợ. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình 2014
2.Giải quyết vấn đề
Thứ nhất về vấn đề đơn phương ly hôn
Theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện nay bạn đang làm việc tại nước ngoài và không thể về nước để thực hiện thủ tục ly hôn.. Và hiện nay bạn muốn thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương.
Theo quy định của pháp luật, bạn hoàn toàn có quyền ly hôn đơn phương( khoản 1 điều 56 luật hôn nhân gia đình 2014):
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2.Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3.Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.
Bên cạnh đó Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định như sau:
“1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Vì bạn không muốn quay trở về Việt Nam để giải quyết ly hôn nên bạn phải chú ý chuẩn bị đầy đủ giấy tờ kèm theo đơn xin xét xử ly hôn vắng mặt căn cứ theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 228. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa
Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1.Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt”.
Về thủ tục ly hôn, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
– Đơn xin ly hôn.
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của nguyên của vợ và chồng.
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng.
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giầy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…
– Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có).
– Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán( nếu bạn không thể tham gia phiên tòa xét xử và đồng ý xét xử vắng mặt)
Nơi nộp đơn: Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ bạn cư trú.
Thời gian giải quyết: 4-8 tháng.
Thứ hai về vấn đề tranh chấp tài sản khi ly hôn
Vấn đề chia tài sản khi ly hôn nếu như hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì vấn đề tranh chấp tài sản vẫn được đặt ra. Theo đó về việc chia tài sản thì chỉ có tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân của hai bạn mới được đưa ra chia
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì việc xác định phân chia tài sản chung khi ly hôn đơn phương như sau:
- Tài sản hình thành do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Tài sản riêng của vợ chồng được hai bên thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung.
Dựa vào nguyên tắc này thì các bạn dễ dàng xác định để tài sản chung khi ly hôn đơn phương: đâu là tài sản chung mà mình có quyền yêu cầu Tòa án chia khi ly hôn. Bạn nên nhớ với tài sản riêng thì người sở hữu phải tự chứng minh và xuất trình giấy tờ cho Tòa án, nếu không xuất trình được thì Tòa án sẽ coi đó là tài sản chung.
Về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng bạn sau khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Như vậy, tài sản vợ chồng sau khi ly hôn được chia như sau: Trước hết dựa trên sự thỏa thuận của 2 bên. Nếu không thỏa thuận được thì: Đối với tài sản riêng của ai thì sẽ thuộc về người đó; Đối với tài sản chung thì thông thường sẽ được chia đôi.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!