Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Tội trốn nghĩa vụ cấp dưỡng bị xử lý thế nào?
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Kể cả trường hợp cha mẹ ly hôn thì cha mẹ vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con như nhau. Ngược lại, khi cha mẹ già yếu, không có khả năng lao động con cái có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ với con, con với cha mẹ xảy ra rất phổ biến. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể người cấp dưỡng cũng khó khăn, không có kinh tế nên không có đủ khả năng để cấp dưỡng hoặc có trường hợp do người cấp dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng, có khả năng thực hiện cấp dưỡng nhưng cố tình không cấp dưỡng để lại hậu quả người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người được cấp dưỡng. Tại Điều 186, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực 01/01/2018 có quy định trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng, có khả năng cấp dưỡng nhưng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 186, Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Các yếu tố cấu thành:
– Khách thể: Xâm phạm quan hệ về cấp dưỡng được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Quan hệ gia đình bị xâm phạm trực tiếp.
– Chủ thể: Là bất kỳ người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà theo Luật hôn nhân và gia đình có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa vợ, chồng, cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.
Tuy nhiên, dựa vào khung hình phạt của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định là tội ít nghiêm trọng, nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
– Mặt khách quan:
Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi bị coi là tội phạm. Nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự đảm bảo cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm.
Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại tiếp tục có hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Hậu quả: Trước đây tại Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định về hậu quả phải là “hậu quả nghiêm trọng”, còn hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì không quy định. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa khônog phải dấu hiệu bắt buộc. Theo quy định hiện hành tại Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ “hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ quy định hậu quả “làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm tính mạng, sức khỏe” như ốm đau, bệnh tật, sức khỏe suy giảm,…Chỉ cần hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm tính mạng, sức khỏe sẽ bị truy cứu hình sự. Không phân biệt hậu quả đó có nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay không. Do vậy, dấu hiệu hậu quả là bắt buộc đối với tội này.
– Yếu tố lỗi: Lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Hình phạt: Khung hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!