Trường hợp bị người khác sử dụng giấy tờ nhân thân để mua hàng trả góp, xử lý thế nào? Mức xử phạt khi sử dụng giấy tờ nhân thân của người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào công ty Luật Dương Gia,e xin nhờ các luật sư tư vấn giúp e về trường hợp của em sau đây: Vào năm 2016, em có đến siêu thị thế giới di động để đăng kí mua hàng trả góp, em đã đưa chứng minh thư nhân dân và bằng lái xe cho nhân viên để làm hồ sơ, sau đó vài hôm thì nhân viên bên đó báo rằng em chưa đủ 20 tuổi nên không thể mua hàng trả góp được. Vậy mà nay em tìm hiểu thì biết được nhân viên đó đã dùng cmt và bằng lái xe của em để mua hàng mà không thông qua em, họ còn thay đổi địa chỉ nơi ở của em trên hồ sơ nữa và hiện tại thì sản phẩm mà nhân viên đó lợi dụng chứng minh thư của em mua vẫn chưa được thanh lí hợp đồng. Nay em muốn kiện nhân viên đó thì cần phải làm gì ạ? và người nhân viên đó sẽ bị pháp luật xử lí ra sao ạ? Em xin chân thành cảm ơn
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Giấy tờ tuỳ thân có thể hiểu là những giấy tờ có thể giúp xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân cơ bản của một người. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể giấy tờ tuy thân gồm những giấy tờ nào. Hiện chỉ có Nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân (CMND) khẳng định giấy CMND là một loại giấy tờ tuỳ thân. Ngoài ra theo Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP quy định về xuất nhập cảnh thì Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế CMND. Ngoài hai loại giấy tờ trên không còn loại giấy tờ nào khác được quy định trực tiếp là giấy tờ tuỳ thân. Trên thực tế, tùy vào từng lĩnh vực, để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính,… thì hộ khẩu, thẻ lưu trú, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe,…đều được coi là giấy tờ tùy thân.
Việc không quy định rõ ràng, cụ thể về các loại giấy tờ tùy thân được chấp nhận trong từng lĩnh vực nêu trên dẫn đến trên thực tế tồn tại nhiều trường hợp người đứng tên trên các giấy tờ đó bị chủ thể khác qua các hình thức khác nhau xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp. Đơn cử một số ví dụ điển hình:
– Lấy chứng minh của người khác để lập công ty và làm giả hóa đơn.
– Sử dụng CMND giả để được cấp hộ chiếu phổ thông xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
– Dùng bản sao CMND, bản sao sổ hộ khẩu và ký tên vào hợp đồng trả góp với ngân hàng (hoặc công ty tài chính) rồi lấy xe và “cao chạy xa bay”.
…
Và như trường hợp của bạn ở đây, nhân viên bên thế giới di động đã dùng chứng minh thư nhân dân và bằng lái xe của bạn để mua hàng cá nhân của họ mà không thông qua bạn, họ còn thay đổi địa chỉ nơi ở của bạn trên hồ sơ và hiện tại thì sản phẩm mà nhân viên đó lợi dụng chứng minh thư của bạn mua vẫn chưa được thanh lí hợp đồng.
Có những hành vi vi phạm kể trên là do hiện nay pháp luật quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính khá thông thoáng. Điều này tạo sự thuận lợi cho những người có nhu cầu nhưng cũng là kẽ hở để tội phạm lợi dụng, thực hiện hành vi trái pháp luật. Bên cạnh đó, do sự phát triển của công nghệ, đối tượng xấu có thể dễ dàng làm giả các giấy tờ trên nhằm thực hiện mục đích của mình.
Như vậy qua phân tích trên, nhân viên đang nắm giữ một số giấy tờ của bạn hoàn toàn có cơ hội bằng các thủ đoạn khác nhau như làm giả giấy tờ, lợi dụng những trường hợp không quy định chặt chẽ về mặt thủ tục…lấy lý do bạn chưa đủ tuổi mua trả góp và lấy thông tin của bạn sử dụng trái phép đi mua hàng trả góp cho cá nhân họ mà không được sự thông qua từ phía bạn đây là hành vi trái pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có một số chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nêu trên. Ví dụ:
Tại Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như sau:
“………
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;
c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân;
b) Làm giả chứng minh nhân dân;
c) Sử dụng chứng minh nhân dân giả.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
………”.
Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
…
126. Sửa đổi, bổ sung Điều 341 như sau:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Ngoài hình thức xử phạt hành chính hoặc bị phạt tù, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Tuy nhiên, đợi đến lúc hành vi vi phạm pháp luật bị phát giác thì bản thân chủ thể đứng tên trên các giấy tờ đã có những thiệt hại nhất định về tài sản, danh dự, uy tín. Do đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể gửi Đơn tố cáo tới cơ quan công an khi có dấu hiệu cho thấy có người đã sử dụng thông tin cá nhân của bạn vào mục đích bất hợp pháp và bạn cần cẩn trọng hơn khi giao giấy tờ tùy thân của mình cho người khác.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!