Không hiến đất để thực hiện dự án nông thông mới bị xử lý kỷ luật đảng. Ủy ban nhân dân xã có chủ trương san ủi mặt bằng khu dân cư người dân phải thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và chồng đang là công chức địa chính tại một xã biên giới, chồng tôi là người Cơtu còn tôi là người kinh. Năm 2012 chúng tôi có mua một thửa đất đồi có diện tích 150m2 tại xã với giá 14 triệu đồng, lúc đó thửa đất này không nằm trong quy hoạch của xã. Đến năm 2016 xã có chủ trương san ủi mặt bằng khu dân cư tại đây thì gia đình chúng tôi cũng đến gặp cán bộ thôn trình bày về nguồn gốc đất tại đây, các đồng chí cán bộ thôn cũng đồng ý cấp lại cho chúng tôi thửa đất đã mua hồi trước và sau đó chúng tôi đã chuyển nhượng lại thửa đất đó cho một người khác. Nhưng đến kỳ họp Hội đồng nhân dân xã do một số đối tượng xúi giục thì các đồng chí cán bộ thôn này lại phản ánh là vợ chồng chúng tôi giành đất tại khu vực mặt bằng này. Vợ chồng chúng tôi đều đang là đảng viên dự bị liền bị xóa tên đảng viên với lý do quản lý quy hoạch kém và tự cấp cho gia đình một lô đất mà không chịu hiến đất để hưởng ứng chương trình nông thôn mới. Cũng xin nói thêm là hiện nay đất đai tại địa phương là chưa được cấp sổ đỏ và việc cấp đất cho các hộ gia đình có nhu cầu thì đều phải thông qua thôn. Nhờ luật sư tư vấn giúp liệu hình thức xóa tên đảng viên dự bị của cả 2 vợ chồng chúng tôi có đúng hay không? Về mặt chính quyền liệu chúng tôi có bị xử lý hay không? Hiện nay, tôi vừa học xong lớp trung cấp chính trị liệu việc xóa tên này có ảnh hưởng đến việc nhận bằng của tôi hay không?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011
2. Nội dung tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, để giải quyết vấn đề của bạn, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, xem xét về việc san ủi mặt bằng khu dân cư ở khu vực nơi bạn sinh sống.
Theo thông tin, năm 2012 vợ chồng bạn có mua một mảnh đất đồi có diện tích 150 m2, lúc đó thửa đất này không nằm trong quy hoạch của xã. Đến năm 2016, xã có chủ trương san ủi mặt bằng khu dân cư thì sau đó, gia đình bạn có liên hệ với cán bộ thôn về nguồn gốc đất của mảnh đất này, và cán bộ thôn cũng đồng ý cấp lại cho gia đình mảnh đất mà gia đình bạn mua lúc trước. Sau khi nhận được mảnh đất, gia đình bạn đã chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác. Tuy nhiên, tại phiên họp Hội đồng nhân dân cấp xã, đồng chí cán bộ thôn đã cho rằng gia đình bạn giành phần đất tại khu vực mặt bằng này. Đồng thời, đất đai tại địa phương đều chưa được cấp Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và việc cấp đất cho các hộ gia đình có nhu cầu đều phải thông qua thôn.
Xem xét về trường hợp của bạn, năm 2012, vợ chồng bạn đã mua một mảnh đất đồi từ người khác, mặc dù không rõ nguồn gốc mảnh đất mà gia đình bạn mua là được khai hoang, hay được nhà nước cấp…, tuy nhiên, tại thời điểm mua bán, mảnh đất này chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai năm 2003, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho… quyền sử dụng đất cho người khác khi đáp ứng điều kiện: đất đã có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để thi hành án, và đang trong thời hạn sử dụng đất. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản có công chứng chứng thực. Do vậy, việc người bán đất cho vợ chồng bạn bằng giấy tờ viết tay và khi mảnh đất này chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã vi phạm quy định tại Điều 106 Luật đất đai năm 2003, Điều 689 Bộ luật dân sự năm 2005, nên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tờ viết tay sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và vi phạm về mặt hình thức. Về mặt nguyên tắc, khi hợp đồng vô hiệu thì theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005, hợp đồng này sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ kể từ thời điểm ký kết và các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Đồng thời, việc gia đình bạn bán lại mảnh đất mà gia đình đã được mua lại cho người khác vào năm 2016 khi mà mảnh đất này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được xác định là vô hiệu do vi phạm quy định tại Điều 188 Luật đất đai năm 2013, cụ thể:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”
Đồng thời quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực thì mới hợp pháp. Do vậy, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng bạn cho người khác khi mảnh đất mà gia đình được cấp lại chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng xác định là không hợp pháp và bị vô hiệu theo quy định.
Ngoài ra, về việc cấp đất của cán bộ thôn thì hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật đất đai năm 2013, thì cơ quan có thẩm quyền cấp đất (giao đất) không phải là cán bộ thôn, hay Ủy ban nhân dân cấp xã mà thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, kể cả trường hợp mảnh đất của gia đình bạn không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có giấy tờ thì cán bộ Thôn cũng không có thẩm quyền cấp đất cho hộ gia đình cá nhân.
Tuy nhiên, đối với phần đất đồi mà gia đình bạn mua từ năm 2012, mặc dù giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đất đai được viết tay không được xác định là giấy tờ không hợp pháp, tuy nhiên, các trường hợp sau thì gia đình bạn vẫn được công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này, cụ thể:
Trường hợp 1: Mảnh đất đồi mà gia đình bạn mua từ năm 2012 có một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 nhưng trên giấy tờ đó mang tên của người khác thì khi gia đình bạn đang sử dụng đất và có giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì vẫn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 100 Luật đất đai năm 2013, cụ thể:
“Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất…”
Trường hợp 2: Trường hợp mảnh đất của gia đình bạn không có bất kỳ loại giấy tờ gì liên quan đến mảnh đất đồi này, nhưng gia đình bạn đã sử dụng ổn định từ năm 2012 (trước thời điểm Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) và có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì gia đình bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật đất đai năm 2013.
Trong trường hợp của bạn, bạn không nói rõ mảnh đất của gia đình bạn có bất kỳ giấy tờ về nguồn gốc đất hay không, hay có bất kỳ hành vi gì lấn, chiếm đất khai hoang hay không, nên tùy vào từng trường hợp mà gia đình bạn có sự xác định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, gia đình bạn đang trực tiếp sử dụng đất, và mảnh đất mà gia đình đang sử dụng cũng chưa từng được cấp Giấy chứng nhận, cũng không thuộc quỹ đất công ích của xã phường nên không có căn cứ khẳng định việc gia đình lấn chiếm đất. Do vậy, cán bộ thôn không thể dựa vào nhận định chủ quan của mình, để khẳng định rằng gia đình bạn giành đất ở khu vực mặt bằng đã giải tỏa này, hay yêu cầu gia đình bạn phải hiến đất. Nếu cần thực hiện việc thu hồi đất để thực hiện dự án đường giao thông, dự án phát triển kinh tế… thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 16 Luật đất đai năm 2013 cần thực hiện việc thu hồi đất theo đúng quy trình mà pháp luật quy định.
Chính bởi vậy, hiện tại cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ căn cứ xử phạt bạn về việc không chịu hiến đất để làm nông thôn mới, hay giành, lấn chiếm đất khu vực giải tỏa mặt bằng…
Thứ hai, về việc xóa tên đảng viên dự bị của hai vợ chồng bạn.
Về vấn đề xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị, theo quy định tại Điều 5 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011 thì khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị. Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì vợ chồng bạn đang đảng viên dự bị chỉ bị xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị nếu như không đủ tư cách đảng viên.
Tư cách đảng viên, mặc dù không quy định cụ thể về khái niệm này, tuy nhiên, tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011 có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn của người đảng viên như sau:
“Điều 1.
1. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
2. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.”
Đồng thời tại Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011 có quy định về nhiệm vụ của Đảng viên như sau:
– Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
– Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
– Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011, một người được xác định là đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tư cách đảng viên khi đủ 18 tuổi trở lên, tự nguyện và có nguyện vọng tham gia vào tổ chức Đảng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của một đảng viên, là người ưu tú được nhân dân tín nhiệm, có lối sống lành mạnh trong sạch, thực hiện tốt chủ trương chính sách của nhà nước…
Khi bạn thuộc trường hợp không đáp ứng tư cách đảng viên theo quy định được trích dẫn ở trên thì thủ tục xóa tên đảng viên dự bị vi phạm tư cách đảng viên được xác định theo tiểu mục 4.6, mục 4 Hướng dẫn 01-HD/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng, cụ thể:
“4.6- Thủ tục xóa tên đảng viên dự bị vi phạm tư cách
a) Chi bộ xem xét, nếu có hai phần ba đảng viên chính thức trở lên biểu quyết đồng ý xóa tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy cấp trên.
b) Đảng ủy cơ sở xem xét, nếu có hai phần ba đảng ủy viên trở lên biểu quyết đồng ý xóa tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền.
c) Ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên xem xét, nếu có trên một nửa số thành viên biểu quyết đồng ý xóa tên thì ra quyết định xóa tên.
d) Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên ra quyết định xóa tên đảng viên dự bị nếu được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba đảng ủy viên đương nhiệm.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, đến kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, trên cơ sở sự xúi giục của một số đối tượng thì các đồng chí cán bộ thôn đã phản ánh, đưa ra nhận định về việc vợ chồng bạn giành đất tại khu vực đất san lấp mặt bằng của xã. Vợ chồng bạn đang là đảng viên dự bị, và sau sự việc này đã bị xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị với lý do quản lý quy hoạch kém và tự cấp cho gia đình một lô đất mà không chịu hiến đất để hưởng ứng chương trình nông thôn mới.
Có thể thấy, lý do mà cơ quan có thẩm quyền đưa ra để xóa tên vợ chồng bạn trong danh sách đảng viên dự là không hợp lý. Bởi, mặc dù chồng bạn là công chức địa chính của cấp xã, nhưng việc quản lý quy hoạch không phải chỉ là việc làm của một cá nhân, mà là của cả một tổ chức. Việc quy kết trách nhiệm quản lý quy hoạch kém không được dựa trên một văn bản ghi nhận hành vi sai phạm nào, hay một quyết định xử lý kỷ luật nào mà chỉ dựa trên nhận định chủ quan của một nhóm cá nhân là hành vi làm trái với quy định của pháp luật, không phải là cơ sở để xác định chồng bạn không cố gắng làm tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho, nên không phải là căn cứ để khẳng định chồng bạn vi phạm tư cách đảng viên. Ngoài ra, việc có hiến đất để thực hiện nông thôn mới hay không là quyền của người sử dụng đất, phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của người sử dụng đất. Cơ quan có thẩm quyền không thể ép buộc người sử dụng đất phải hiến đất, vì như vậy sẽ xâm phạm đến quyền tự định đoạt, ý chí tự nguyện của người sử dụng đất và không thể lấy lý do vợ chồng bạn không hiến đất để xây dựng nông thôn mới nên không đủ tư cách đảng viên được. Ngoài ra, mảnh đất của gia đình mua từ năm 2012, mặc dù chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng gia đình bạn cũng không lấn chiếm, không vi phạm về luật đất đai, nên khi thực hiện chủ trương san lấp mặt bằng thì việc chính quyền địa phương san lấp phần đất của gia đình bạn, và cấp lại cho một phần đất tương tự, cũng không xác định là gia đình bạn tự cấp đất ở đây.
Từ những phân tích nêu trên, có thể xác định, việc cơ quan có thẩm quyền, Chi bộ, Đảng ủy lấy lý do quản lý quy hoạch kém và không chịu hiến đất để xây dựng nông thôn mới để xóa tên của vợ chồng bạn trong danh sách đảng viên dự bị là không có căn cứ, trái quy định của Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Đồng thời trong thông tin bạn cũng không nói rõ, quy trình xóa tên vợ chồng bạn trong danh sách đảng viên dự bị được thực hiện như thế nào, nếu không đáp ứng quy trình được quy định tại tiểu mục 4.6, mục 4 Hướng dẫn 01-HD/TW thì cũng được xác định là thực hiện trái quy định của pháp luật. Trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vợ chồng bạn có quyền khiếu nại lên cấp trên để được can thiệp giải quyết.
Đối với việc nhận bằng tốt nghiệp lớp trung cấp chính trị thì khi bạn kết thúc khóa học thì bạn sẽ được nhận bằng tốt nghiệp. Việc bị xóa tên trong danh sách đảng viên không phải là căn cứ để ảnh hưởng đến việc nhận bằng tốt nghiệp khóa học chính trị của bạn.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên, việc Chi bộ, Đảng ủy xóa tên của vợ chồng bạn trong danh sách đảng viên vì lý do quản lý quy hoạch kém và tự cấp cho gia đình một lô đất mà không chịu hiến đất để hưởng ứng chương trình nông thôn mới là hành vi làm trái quy định của Điều lệ Đảng, trái quy định của pháp luật. Bạn có quyền khiếu nại quyết định này để đảm bảo quyền lợi của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!