Phân biệt giữa mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Tóm tắt câu hỏi:
Mong luật sư tư vấn giùm tôi ạ. Chồng tôi bị bắt khi đang mang trong người 2300 viên hồng phiến, khi bắt chồng tôi khai mua tư Lào về sử dụng chồng tôi khai đi mua 2 lần, lần đầu thì lọt lần thứ 2 thì bị bắt, chồng tôi khai mua về sử dụng và cho a e bạn bè một ít chứ không mua bán cho ai, chồng tôi lái xe đường dài nên a e trong nhà xe dùng cái đó để tết chạy xe không buồn ngủ nên mua về sử dụng lâu dài nên số lượng nhiều ạ. Công an đến xác minh a e bạn bè thì họ đều nói chồng tôi có cho sử dụng thử chứ không mua bán j, nhưng công an lại khép cho chồng tôi là tội mua bán trái phép chất ma túy như vậy đúng hay sai, theo suy nghĩ của tôi khi nghiên cứu luật thì chồng tôi chưa phải phạm tội mua bán vì chưa chứng minh được chồng tôi bán cho ai. Nếu khởi tố thì chồng tôi nằm vào khoản mấy điều 194 ạ. Xin chân thành cảm ơn. Mong luật sư gửi qua mail sớm giúp tôi ạ
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hình sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý:
Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
2.Giải quyết vấn đề:
Làm thế nào để phân biệt mua bán, sử dụng, vận chuyển trái phép chất ma túy? Để giải đáp thắc mắc này công ty Luật Dương Gia dựa trên tình huống của chồng bạn đang gặp phải để phân tích và đưa ra một số căn cứ pháp lý dành cho bạn để có thể hiểu hơn và xử lý vấn đề gia đình mình đang gặp phải như sau:
Căn cứ theo tiểu mục 3.3 mục 3 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì hành vi mua bán trái phép chất ma túy được xác định như sau:
” 3.3. “Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);
đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.”
Tiểu mục 3.2 đề cập đến hành vi vận chuyển như sau:
” 3.2. “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.”
Như vậy, việc chồng bạn có hành vi vận chuyển ma túy về nhằm mục đích sử dụng và cho người khác sử dụng mà không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, hành vi này được xác định là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015:
Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
…”
Theo quy định nêu trên thì yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy là:
– Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma tuý.
– Mặt khách quan: “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm trên với lỗi cố ý (là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
– Chủ thể: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy nếu như hành vi của họ đáp ứng đủ các dấu hiệu cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy, như đã trình bày ở trên. Như vậy, dấu hiệu phạm tội từ phía chồng bạn đứng ứng đủ các dấu hiệu cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy ở trên. Chồng bạn đã vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam để sử dụng và cho người khác nên xem xét mức khối lượng vận chuyển cụ thể để xác định mức định tội là bao nhiêu. Theo quy định trên, giả sử chồng bạn vận chuyển chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam sẽ bị phạt ở khung hình phạt bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, còn nếu khối lượng nhiều hơn sẽ dựa vào khoản sau của điều luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!