Tư vấn giải quyết đơn phương ly hôn và điều kiện giành quyền nuôi con. Làm thế nào để giành được quyền nuôi con khi ly hôn?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Các Luật sư! Mình hiện đang có con 29 tháng và 9 tháng. Lấy chồng năm 2015. Đang sống với gia đình chồng. Tuy mới cưới nhưng mình đã bắt gặp chồng điện thoại và nhắn tin tán tỉnh khi có bầu bé thứ hai. Mới đây mình bắt gặp anh như thế cả 2 lần mình làm to chuyện và ba mẹ anh bênh con bảo mình làm lớn và cũng vì anh chối biến bảo là làm nhiệm vụ. Mình không tin vì thái độ và hành xử chồng không trung thực. Nay mình muốn ly hôn và đơn phương. Mình muốn biết làm gì để nuôi được 2 con vì chồng là con trai 1 và bé đầu của mình là trai chắc chắn gia đình anh sẽ không cho. Về kinh tế thu nhập của mình là tầm 6 triệu. Mình phải làm gì để chứng minh có thể nuôi 2 con. Mong anh chị giải đáp sớm
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007
2. Nội dung tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn đang muốn ly hôn và đơn phương vì chồng bạn có nhiều biểu hiện về việc ngoại tình, và muốn giành quyền nuôi con. Trong trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về vấn đề ly hôn của bạn:
Theo thông tin, bạn đang muốn ly hôn đơn phương. Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn là quyền của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng trong quan hệ hôn nhân.
Về vấn đề ly hôn đơn phương, hay còn được gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên thì tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định.
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên) được xác định là trường hợp chỉ có một người trong quan hệ hôn nhân (ở đây là vợ, hoặc chồng) yêu cầu ly hôn, mà người còn lại không muốn ly hôn.
Trong trường hợp của bạn, khi chồng bạn không đồng thuận về vấn đề ly hôn, không ký kết vào đơn ly hôn; hoặc chỉ một mình bạn có yêu cầu ly hôn thì trường hợp này, bạn có thể ly hôn đơn phương – ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Trường hợp này, khi bạn nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương, Tòa án vẫn nhận đơn, thụ lý đơn ly hôn của bạn và tổ chức tiến hành hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi hòa giải tại Tòa án mà không thành thì trường hợp này, Tòa án chỉ giải quyết cho ly hôn nếu như có các căn cứ chứng minh về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, dẫn đến cuộc sống hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài.
Trong đó: Bạo lực gia đình, theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình thường thể hiện ở các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; hoặc hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; hoặc có hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự nhân phẩm, cô lập, xua đuổi, cưỡng ép quan hệ tình dục… Còn hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng được xác định là những hành vi vi phạm tình nghĩa vợ chồng, sự thương yêu, chung thủy, tôn trọng nhau.
Trong trường hợp của bạn, theo thông tin, bạn bắt gặp chồng điện thoại và nhắn tin khi bạn đang mang bầu bé thứ hai. Bạn nghi ngờ về việc chồng ngoại tình, vi phạm quyền Gia đình chồng, và chồng đều phủ nhận về việc này. Tuy nhiên, bạn không nói rõ, đối với những sự việc này, bạn có chứng cứ gì về việc ngoại tình của chồng bạn như nội dung tin nhắn, bản ghi âm, hình ảnh, biên bản vi phạm hành chính do cơ quan có thẩm quyền lập… hay không. Do vậy, trong trường hợp này, để Tòa án có thể giải quyết yêu cầu ly hôn của bạn sau khi hòa giải không thành tại Tòa án thì bạn cần cung cấp các bằng chứng, chứng cứ chứng minh việc ngoại tình của chồng, hoặc về hành vi bạo lực gia đình của vợ, chồng.
Trong trường hợp bạn đơn phương ly hôn, và sau khi hòa giải không thành mà bạn không cung cấp được các chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình, hoặc việc ngoại tình, vi phạm quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng thì trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án không thể giải quyết vụ việc ly hôn của bạn mà có thể đình chỉ việc giải quyết vụ việc này.
Qua phân tích ở trên, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết về vấn đề ly hôn của mình.
Thứ hai, về vấn đề giành quyền trực tiếp nuôi con của bạn.
Về vấn đề quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên thì cha, mẹ đều phải có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con không phân biệt tình trạng hôn nhân của cha mẹ như thế nào. Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn thì trước hết do vợ, chồng tự thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con theo quy định của luật. Cụ thể, đối với con dưới 36 tháng tuổi thì quyền được trực tiếp nuôi con được giao cho người mẹ, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Đối với con trên 36 tháng tuổi thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trên cơ sở xem xét về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con của cha và mẹ, quyền và lợi ích hợp pháp của con. Trường hợp con từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, bạn có hai người con, trong đó có 01 người con trai và một người con chưa ra đời (do bạn đang mang thai). Tuy nhiên, bạn không nói rõ, con trai của bạn bao nhiêu tuổi, vợ và chồng có thỏa thuận được về vấn đề nuôi con hay không. Ngoài việc thu nhập của bạn là 6 triệu đồng thì thu nhập, và các điều kiện khác của người chồng được xác định như thế nào.
Trong trường hợp này, khi xem xét điều kiện nuôi con của bạn nếu bạn ly hôn tại thời điểm này thì trước hết phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cha và mẹ phù hợp với lợi ích của con. Trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong đó, đối với người con bạn chưa sinh ra (bạn đang mang thai) thì người mẹ sẽ là người được trực tiếp nuôi con vì người con này chưa sinh ra còn gắn liền với cơ thể của người mẹ, và nếu sinh ra thì còn quá nhỏ phụ thuộc vào người mẹ ở đây. Còn đối với người con trai đầu của bạn, do bạn không nói rõ thông tin nên bạn cần căn cứ vào quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, để có sự xác định cụ thể. Cho dù con bạn bao nhiêu tuổi, tuy nhiên việc bạn có thu nhập ổn định (cụ thể 6 triệu/tháng) đã cho thấy điều kiện về kinh tế để nuôi con, ngoài ra bạn có thể cung cấp các chứng cứ khác về thời gian chăm sóc nuôi dưỡng con, điều kiện nuôi con… để tạo ra điều kiện thuận lợi trực tiếp nuôi con.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể về vấn đề ly hôn và giành quyền nuôi con của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!