Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai là di sản thừa kế. Chưa chia di sản thừa kế đã tự ý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được công nhận không?
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình ông bà nội tôi sinh được 8 người con, trong đó có 3 trai 5 gái, và ông tôi mất năm 1988, bà tôi mất năm 2005 Bác trai tôi đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, Bố tôi đã mất năm 1993. Chú tôi đã mất năm 2015 Năm 1995 nhà nước có đợt cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà ở, tại thời điểm đó có Bà nội tôi và vợ chồng chú thím tôi cùng sống trên mảnh đất của cha ông tổ tiên tôi để lại, và trước đó ông bà tôi đã chia cho mảnh đất thành 2 phần, bố mẹ tôi 1 phần, chú thím tôi 1 phần Khi đó, bố tôi đã mất, mẹ con tôi hiện thời điểm đó đang sinh sống và làm việc trên Tp Bắc Giang nên chú tôi là người đứng ra làm thủ tục nhận quyền sử dụng đất cho cả 2 thửa đất tại thời điểm đó Năm 2015 khi chú tôi qua đời, gia đình dòng họ tôi muốn nhận lại mảnh đất trước đây ông bà chia cho bố tôi thì thím tôi không đồng ý, và chỉ chia lại cho 1 diện tích nhỏ trong thửa đất hiện tại. Khi chúng tôi ra ủy ban xã làm việc và được xã giải hòa, 2 bên thống nhất và thím tôi đồng ý trả lại diện tích mặt tiền 10m và chiều dài sâu vào 55m. Biên bản đã được chủ tịch xã / địa chính xã / thư ký xã và ban hòa giải xã cùng 2 bên liên quan và các cô chú bác làm chứng ký vào biên bản. Tuy nhiên, trong quá trình xây nhà, xây tường bao, thím tôi rất nhiều lần thay đổi và lớn tiếng lời qua tiếng lại và không đồng ý cho chúng tôi xây dựng trên diện tích 10m mặt tiền nữa, đỉnh điểm 4 người con gái của thím đã tự ý đập phá dỡ bức tường chúng tôi vừa xây dựng lên. Và cho tới hôm nay, thím tôi cùng 4 người con của thím đã tự ý xây bức tường ngăn đôi mảnh đất đã đồng ý theo thỏa thuận Vậy xin hỏi luật sư: - Trong trường hợp này, tôi dựa vào biên bản hòa giải của ủy ban xã để yêu cầu thím tôi tuân thủ đúng cam kết và không lấn chiếm đất đã chia là đúng hay sai? - Hiện tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả 2 thửa đất đang đứng tên là chú thím tôi, vậy tôi có quyền yêu cầu thím tôi trả lại phần đất của bố tôi hay không? - Nếu thím tôi không trả lại đất cho chúng tôi, vậy chúng tôi có cơ sở gì để khiếu kiện lên xã / huyện? - 2 thửa đất này có thể sang tên cho thím tôi được không khi chúng tôi đang yêu cầu xã làm việc buộc thím trả lại đất theo thỏa thuận và theo biên bản họp gia đình nhà chúng tôi. - Chúng tôi có thể khiếu kiện được không nếu đất hiện vẫn đang tranh chấp mà UB xã vẫn ký giấy chuyển nhượng sang tên cho thím tôi? Rất mong nhận được sự tư vấn tận tình của quý vị luật sư Trân trọng
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Thứ nhất, về hiệu lực của văn bản hòa giải tại cơ sở.
Căn cứ theo quy định của điều 202 Luật đất đai 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1.Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2.Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
3.Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
4.Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”
Như vậy, văn bản hòa giải của UBND xã sẽ bị bắt buộc áp dụng nếu như văn bản hòa giải này được Tòa án công nhận. Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
Trong trường hợp của bạn đã quá 6 tháng mà bạn không yêu cầu tòa án công nhận văn bản hòa giải nên văn bản này không có hiệu lực pháp lý bắt buộc
Mặt khác, việc các bên có thỏa thuận tại Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn không thể làm mất quyền khởi kiện ra tòa án của các bên. Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các bên đương sự phụ thuộc vào việc xem xét và đánh giá các chứng cứ do các bên xuất trình và các chứng cứ khác được thu thập theo trình tự do luật định. Do đó để bảo vệ quyền lợi của mình gia đình bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ hai, Về yêu cầu trả lại đất cho gia đình bạn
Theo như bạn trình bày, phần đất này là do ông bà nội của bạn để lại. Ông bà mất không để lại di chúc nên phần di sản này sẽ được chia theo pháp luật., những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 BLDS 2005 được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, việc chú thím của bạn tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai người mà không làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và chia di sản cho những người ở hàng thứ kế thứ nhất là không đúng với quy định của pháp luật. Việc trong thời gian tranh chấp đất đai mà cơ quan chức năng vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chú thím của bạn là không đúng với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này gia đình bạn có thể làm đơn khiếu nại lên UBND cấp huyện để giải quyết
Ngoài ra, gia đình bạn hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp căn cứ theo khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
…
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”
Sau khi làm thủ tục hủy sổ đỏ, gia đình bạn có thể làm đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của ông bà nội để lại theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!