Tư vấn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn. Công việc, mức lương không ổn định có được nuôi con khi ly hôn không?
Tóm tắt câu hỏi:
Hai vợ chồng em li hôn. Em không có việc làm. Hiện tại đang lãnh bảo hiểm thất nghiệp chồng em thì công việc ổn định. Bé mới được 16 tháng. Vậy theo quy định con dưới 36 tháng thì mẹ được nuôi, sau ly hôn ba phải chu cấp. Nhưng em không có công việc ổn định. Và em có được quyền nuôi con không ạ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Nội dung tư vấn:
Ly hôn, chấm dứt hôn nhân là giải pháp nhiều cặp vợ chồng lựa chọn khi cuộc sống hôn nhân của họ rơi vào bế tắc, khủng hoảng vì bất đồng ý kiến, sự không hòa hợp về tính cách, sự không chung thủy… Đối với việc ly hôn, cùng với việc phân chia tài sản thì việc quyết định ai có quyền nuôi con cũng là một vấn đề mà nhiều người vợ, chồng quan tâm. Trường hợp của bạn cũng là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, theo thông tin, hiện tại, bạn và chồng bạn đang muốn ly hôn. Căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Việc ly hôn không chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân mà nó còn làm phân chia quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi con của vợ và chồng. Về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều được cha mẹ thương yêu, chăm sóc nuôi dưỡng, nhất là khi con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Đồng thời, tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, hiện tại vợ chồng bạn đang chuẩn bị ly hôn mà con của bạn mới được 16 tháng tuổi. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên thì việc quyết định nuôi con được xác định như sau:
Trường hợp bạn và chồng bạn cùng thỏa thuận với nhau về việc nuôi con và thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận đó.
Trường hợp bạn và chồng bạn không thể thỏa thuận được với nhau về việc nuôi con, ai cũng muốn giành quyền nuôi con thì theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ thuộc về người mẹ (ở đây là bạn), trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Mặc dù hiện nay pháp luật không quy định cụ thể như thế nào là đáp ứng điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, tuy nhiên, đó được hiểu là tất cả các yếu tố về vật chất và tinh thần ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, như về môi trường sống, về tài chính, thu nhập, về thời gian chăm sóc con… Cụ thể:
- Về điều kiện vật chất:
Người trực tiếp nuôi con phải có chỗ ở, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống của cả họ và con, đảm bảo có thể tạo ra điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt nhất, để cho con được ăn, mặc, học hành và phát triển đầy đủ.
- Về điều kiện tinh thần:
Người trực tiếp nuôi con phải đảm bảo con được nuôi dưỡng và phát triển trong trạng thái tinh thần tốt nhất. Họ phải thường xuyên chăm sóc con, dành nhiều thời gian để yêu thương, quan tâm con.
Môi trường sống của con phải lành mạnh, tránh việc tiếp xúc nhiều với tệ nạn xã hội hay bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và nhân cách của trẻ…
Trên cơ sở phân tích này, hiện tại con của bạn mới được 16 tháng tuổi. Chồng bạn đang có công việc ổn định, còn bạn thì không có việc làm, đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Có thể thấy, trong trường hợp của bạn, bạn hiện đang không có một nguồn thu nhập ổn định, để đảm bảo cuộc sống của mẹ và con, đây sẽ là bất lợi cho bạn khi giành quyền nuôi con. Bởi nguồn thu nhập từ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp không mang tính chất ổn định, mà chỉ mang tính chất một nguồn bù đắp về vật chất trong thời gian bạn thất nghiệp, tương đương số tháng mà bạn được hưởng dựa trên thời gian bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bạn cũng không có việc làm, nên không đảm bảo cuộc sống của bạn và con bạn sau này.
Việc bạn có giành được quyền nuôi con hay không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án trong quá trình xét xử ly hôn, và mặc dù pháp luật đang ưu tiên quyền nuôi con cho bạn nhưng việc bạn không có công việc, không có thu nhập ổn định sẽ là một bất lợi của bạn khi xem xét quyền nuôi con khi ly hôn.
Như vậy, khi ly hôn, việc xác định bạn hay chồng bạn được quyền trực tiếp nuôi con sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa bạn và chồng bạn. Trường hợp không thỏa thuận được thì Toà án sẽ xét xử theo quy định của pháp luật, nhưng việc bạn không có việc làm, không có thu nhập ổn định là yếu tố bất lợi của bạn khi giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn. Trường hợp này, để chắc chắn việc được giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn, bạn nên tìm kiếm một công việc tại thời điểm ly hôn. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!