Tư vấn trường hợp người vi phạm giao thông làm mất biên bản xử phạt. Làm mất biên bản xử phạt hành chính có nộp phạt được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em là người Hà Nội ngày 30/4/2016 em có vào Đồng Nai chơi và vượt đèn đỏ bị CSGT Suối Tre tạm giữ bằng và hẹn 1 tuần sau quay lại để đóng tiền phạt nhưng có tính chất công việc phải về Hà Nội gấp. Nay em có dịp vào lại Đồng Nai và muốn lấy lại bằng lái xe nhưng lại bị mất biên bản thì em phải làm thế nào để đóng phạt và số tiền phải đóng là bao nhiêu? Em xin cảm ơn luật sư.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
2.Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC quy định trình tự, thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính như sau:
“Điều 4. Quy trình, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Quy trình, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy trình thu ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư số 128/2008/TT-BTC Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước-Tổng cục Thuế-Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại. Thông tư này hướng dẫn thêm các nội dung sau:
1.Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực.
2.Khi nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải xuất trình quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt với Kho bạc Nhà nước nơi đến nộp phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt và phải nộp tiền phạt theo đúng số tiền, thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. […]”
Căn cứ khoản 3 điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về lập biên bản vi phạm hành chính:
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Vậy nên, việc làm mất biên bản nộp phạt sẽ không ảnh hưởng gì đến vấn đề xử lý vi phạm. Người vi phạm chỉ cần đến kho bạc nhà nước mà người vi phạm đã đến nộp phạt lần trước và trình bày vụ việc của mình. Do khi vi phạm giao thông, cơ quan xử phạt đã lập thành 2 biên bản, giao cho người vi phạm 1 biên bản, còn cơ quan sẽ lưu giữ lại 1 biên bản. Hồ sơ vi phạm của người vi phạm đã được lưu giữ lại, nên khi người vi phạm đến và trình bày vấn đề của mình thì việc xử lý vi phạm sẽ vẫn được tiến hành như bình thường.
Tuy nhiên nếu bạn nộp phạt chậm hơn so với quy định của pháp luật thì bạn sẽ phải nộp phạt căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 153/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 5. Thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1.Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt. […]
Như vậy, theo quy định, sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bạn phải nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt trong thời gian 10 ngày.”
Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.1950. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
– Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
– Dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến qua email trả phí
Trân trọng cám ơn!