Tư vấn về trường hợp xin nghỉ không hưởng lương. Được phép xin nghỉ không lương thời gian tối đa bao nhiêu lâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Công ty luật TNHH Dương gia. Vợ tôi trước đây có xin nghỉ 02 lần không hưởng lương để điều trị hiếm muộn con. mỗi lần nghỉ cách nhau hơn 6 tháng. Mỗi lần nghỉ từ 6 tháng đến 12 tháng. Vậy bây giờ vợ tôi có xin nghỉ thêm 01 lần với thời gian 12 tháng được không? Kính nhờ Công ty luật tư vấn dùm. Xin chân thành cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi là hai yếu tố quan trọng đảm bảo quyền lợi cho người lao động vào những công việc riêng cần phải nghỉ. Ngoài những ngày nghỉ được pháp luật quy định thì người lao động có quyền được xin nghỉ không lương được sự đồng ý của người sử dụng lao động nếu muốn thời gian nghỉ dài hơn.
Thứ nhất, về thời gian xin nghỉ không hưởng lương
Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
“1.Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
a)Kết hôn: Nghỉ 03 ngày;
b)Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c)Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày;
2.Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3.Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Theo quy định của pháp luật thì ngoài những ngày nghỉ việc riêng như kết hôn, bố đẻ mẹ đẻ chết ..v..v. bạn được nghỉ việc và hưởng nguyên lương thì vợ bạn hoàn toàn có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xin nghỉ việc không hưởng lương. Như vậy, nếu như công ty của vợ bạn đồng ý với đề nghị xin nghỉ không lương thì vợ bạn có quyền nghỉ. Pháp luật không điều chỉnh cụ thể về thời gian nghỉ không hưởng lương nên việc nghỉ trong bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ hai, về chế độ khi người lao động xin nghỉ không lương
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
Như vậy, nếu công ty đồng ý cho bạn nghỉ không lương tức là trong thời gian bạn nghỉ công ty không trả lương thì cũng không tham gia các chế độ về BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động vì các chế độ này phải tính căn cứ trên mức lương của người lao động ,khi bạn nghỉ việc không hưởng lương thì không có căn cứ để tính các chế độ đó.
Thứ ba, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động
Căn cứ để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động được quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.”
Theo quy định của pháp luật, nếu bạn thỏa thuận được với người sử dụng lao động xin nghỉ việc không lương trong một thời gian dài thì bạn hoàn toàn được phép nghỉ. Nhưng trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo quá trình làm việc và ổn định về mặt nhân sự nên pháp luật cho phép người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; đã điều trị 06 tháng liên tục với người làm theo hợp đồng xác định thời hạn. Như vậy trong quá trình nghỉ việc không lương với thời gian điều trị ốm đau từ 12 tháng trở lên vợ bạn có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!