Tư vấn việc đòi lại đất khi cho người khác mượn. Cho người khác mượn đất nhưng người mượn không chịu trả , đòi lại đất như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tại nhà tôi có một mảnh đất vườn (nhà ở và vườn), trước đó chúng tôi có cho một đứa cháu (H) mượn một diện tích để làm quán buôn bán, nhưng được 2 năm thì H làm nhà ở với mục đích chiếm đoạt mảnh đất đó về tay mình, suy nghĩ cũng là chỗ anh em với nhau nên tôi cũng khó khăn trong việc lấy lại đất một cách lưỡng toàn cho hai bên, vậy xin luật sư tư vấn cho tôi theo luật đất đai thì tôi hoàn toàn có thể lấy lại một cách đúng pháp luật hay không? (diện tích đất thuộc sổ đỏ đứng tên tôi) hoặc nếu tôi quyết định trả lại cho chính quyền thì khả năng H có được cấp sổ dỏ khác hay không? nếu có cách nào tốt cho cả hai bên xin luật sư tư vấn cho tôi, xin chân thành cám ơn
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo điều 494 Bộ luật dân sự 2015 về việc mượn tài sản của người khác như sau:
“Điều 494. Hợp đồng mượn tài sản
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Do bạn trình bày cháu của bạn có mượn đất đứng tên của bạn để buôn bán, theo đó giữa bạn và người cháu này phát sinh quan hệ cho mượn tài sản, như vậy người cháu của bạn cần phải có những nghĩa vụ như sau :
– Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
-. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
-Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
– Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
– Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả
Như vậy, trong khoảng một thời gian dài cháu của bạn không có ý định trả lại đất cho gia đình bạn nữa, giờ bạn có mong muốn lấy lại tài sản đó bạn sẽ có các quyền theo quy định tại điều 517 luật dân sự:
“1. Đòi lại tài sản ngay khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Yêu cầu bồi thường thiệt lại đối với tài sản do người mượn gây ra”.
Theo quy định này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bạn của bạn trả lại tài sản. Việc cháu của bạn không chịu trả lại đất đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Do vậy, bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này.Cùng với việc nộp đơn bạn nên cung cấp các tài liệu mà bạn có thể thu thập được để chứng minh việc cho mượn tài sản này.
Căn cứ theo điều 202 của Luật đất đai 2013:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy theo quy định của pháp luật, bạn có thể trình bày sự việc này lên UBND xã để hai bên có thể hòa giải trước. Nếu không hòa giải được bạn nên gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân để cơ quan này có thể giải quyết quyền lợi cho gia đình bạn. Mặt khác, về vấn đề bạn hỏi khi cháu bạn đang sử dụng phần đất đó thì bạn ấy có làm sổ đỏ được không? Thì theo quy định của pháp luật bạn là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó, bao gồm cả mảnh đất mà cháu bạn đang ở. Nên cháu của bạn không hề có căn cứ gì để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!