Tự ý chụp ảnh và quay phim người khác có vi phạm pháp luật không? Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền bất khả xâm phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tại em có nuôi 1 chú chó và đang sinh sống ở chung cư. Em sống ở đây được 9 tháng. Dạo gần đây toà nhà mới thay bảo vệ mới. Em thường hay bị trêu. Và Em phát hiện ra mình bị quay phim và chụp ảnh. Sáng nay em có xuống ban quản lí toà nhà và phản ánh. Câu trả lời em nhận được là "chị quản lí toà nhà chứ không quản lí người, chắc anh đấy chụp ảnh có lí do của anh đấy..." như vậy là như thế nào. Em thực sự rất bức xúc và cảm thấy bị xâm phạm đời tư cá nhân khi bị ng khác quay phim chụp ảnh như thế. Em cũng đã có yêu cầu ngừoi quay phim chụp ảnh em xoá những bức ảnh của em đi nhưng anh ta bảo anh ta chụp ảnh con chó của em. Vậy em có quyền yêu cầu được xoá những bức ảnh đấy và được tôn trọng không? Em thực sự rất bức xúc và cảm thấy Lo lắng khó chịu mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Em mong nhận được phản hồi sớm từ anh chị. Em xin cảm ơn đã tư vấn cho em!!!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Nghị định 167/2013/NĐ – CP ngày 12 tháng 11 năm 2013
2. Nội dung tư vấn
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay bạn đang bị người bảo vệ của tòa nhà nơi bạn đang sinh sống quay phim, chụp ảnh một cách trái phép, làm bạn rất khó chịu. Để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Quyền về hình ảnh của cá nhân là một trong những quyền được pháp luật bảo vệ, cụ thể tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Đồng thời tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định:
“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Từ những căn cứ được trích dẫn ở trên, xem xét trong trường hợp của bạn có thể thấy, từ khi Tòa nhà nơi bạn sinh sống có bảo vệ mới thì bạn thường bị trêu ghẹo, thường bị quay phim, chụp ảnh một cách trái phép, không có sự cho phép của bạn. Có thể thấy, hành vi của người bảo vệ này đã vi phạm quyền được bảo vệ về hình ảnh, về bí mật riêng tư của cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như cuộc sống riêng tư của bạn theo quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 được trích dẫn ở trên. Trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người bảo vệ này chấm dứt hành vi vi phạm, xóa đi những bức ảnh, cuộn phim đã chụp, đã quay về bạn, tôn trọng cuộc sống riêng tư của bạn.
Trường hợp người này không tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu tiêu hủy những hình ảnh, cuộn phim đã chụp, đã quay và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, trường hợp bạn phát hiện và có chứng cứ cho thấy người bảo vệ này sử dụng những hình ảnh, cuộn phim, video đã chụp đã quay về bạn để thực hiện công khai, đăng tải thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn, thì trường hợp này, bạn có quyền tố cáo lên cơ quan công an để tố cáo về hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống người khác theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, về hành vi làm nhục người khác thì tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; …”
Và đối với tội vu khống, tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: …”
Ngoài ra, với hành vi trêu ghẹo, hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn thì người bảo vệ này cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ – CP với mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Bạn có quyền tố cáo hành vi của người này lên cơ quan có thẩm quyền để được đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!