Ưu nhược điểm của đấu thầu qua mạng. Quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng.
Ưu nhược điểm của đấu thầu qua mạng. Quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng.
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng được quy định tại Điều 60 Luật đấu thầu 2013:
“1. Khi thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, các nội dung và quy trình sau đây được thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
a) Đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định tại Điều 8 của Luật này;
b) Đăng tải hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
c) Nộp bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên danh;
d) Nộp, rút hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
đ) Mở thầu;
e) Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
g) Ký kết, thanh toán hợp đồng;
h) Các nội dung khác có liên quan.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng và lộ trình áp dụng.”
Ngoài ra, Điều 88 Nghị định 63/2014/NĐ – CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng có quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng:
“1. Bên mời thầu, nhà thầu tiến hành đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Điều 87 của Nghị định này.
2. Bên mời thầu tự đăng tải thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu công khai quy cách hàng hóa cần mua sắm.
3. Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đồng thời với thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng. Trường hợp có sự sai khác giữa văn bản điện tử đính kèm và nội dung điền trong mẫu thì văn bản điện tử đính kèm sẽ có giá trị pháp lý.
4. Nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải phản hồi cho nhà thầu là đã nộp hồ sơ thành công hay không thành công, đồng thời ghi lại thời điểm, trạng thái nộp trên hệ thống làm căn cứ giải quyết tranh chấp (nếu có). Nhà thầu thực hiện nộp bảo lãnh dự thầu thông qua ngân hàng có kết nối đến hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp rút hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nhà thầu thông báo đến bên mời thầu và ngân hàng thực hiện bảo lãnh (nếu có) trước thời điểm đóng thầu.
5. Bên mời thầu mở và giải mã hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau thời điểm đóng thầu. Biên bản mở hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn không quá 02 giờ sau thời điểm đóng thầu.
6. Sau khi đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, bên mời thầu nhập kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về thời gian và quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng.”
Hiện nay, việc áp dụng đấu thầu qua mạng đang trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đấu thầu qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng và minh bạch cho các nhà thầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tham gia.
Trên thực tế, với hình thức đấu thầu theo cách thông thường, việc tiếp cận và giám sát các thông tin đấu thầu thường gặp nhiều khó khăn, nhất là khi bên mời thầu cố tình cản trở nhà thầu mua hồ sơ mời thầu. Cơ hội lớn dành cho nhà thầu đã được mở ra khi nguyên tắc về công khai thông tin đấu thầu sẽ được phát huy tối đa.
Khi thực hiện chính thức đấu thầu qua mạng thì suốt quá trình đấu thầu từ lúc phát hành hồ sơ mời thầu đến thông báo kết quả đấu thầu, bên mời thầu và nhà thầu – hai bên không cần gặp nhau và nhà thầu không mất thời gian đi lại.
Tất cả bên mời thầu, bên dự thầu chỉ cần ngồi ở trụ sở cơ quan và làm việc trên mạng. Sau khi hồ sơ mời thầu được đưa lên mạng, trong suốt quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu có thể gửi hồ sơ dự thầu lên mạng bất cứ lúc nào, 9h tối hay 1h sáng đều được, miễn là trước giờ đóng thầu.
Trong đó, Mục 1, Chương II của thông tư 07/2016 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa đối với đấu thầu qua mạng đã quy định rõ thêm Điều 28 của Luật Đấu thầu về loại thông tin; thời hạn cung cấp, đăng tải thông tin… trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời quan tâm, thông báo mời chào hàng… Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng sẽ thực hiện theo nguyên tắc là bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu… và nhà thầu chỉ nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một lần, việc mở thầu cũng được tiến hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi đóng thầu.
Không chỉ tạo các thuận lợi cho bên dự thầu, đấu thầu qua mạng còn giúp bên mời thầu rút ngắn thời gian và chi phí trong tất cả các khâu đấu thầu với việc loại bỏ các công đoạn như soạn thảo, trình duyệt văn bản… Hệ thống đấu thầu qua mạng có thể được dùng để làm cơ sở thu thập các thông tin lịch sử về năng lực của nhà thầu, giúp bên mời thầu phân loại, đánh giá nhà thầu…
Văn bản điện tử do chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư phát hành dưới dạng điện tử được xem là văn bản gốc, có giá trị pháp lý để làm cơ sở đối chiếu, so sánh, phục vụ việc đánh giá, giám sát, thẩm định; thanh, kiểm tra, kiểm toán… đảm bảo thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu theo Khoản 26 Điều 4 của Luật Đấu thầu. Để thực hiện được điều này, văn bản điện tử được gửi đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc chỉ được coi là có giá trị khi gửi thành công mà Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhận được và có phản hồi (ngay sau khi nhận được).
Kể từ ngày 01/7/2016, trước thời điểm đóng thầu 02 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu.
Rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng mạng còn chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để đấu thầu qua mạng. Việc thí điểm đấu thầu qua mạng thời gian qua đã chỉ ra, nhiều gói thầu lớn chứa đựng nhiều bản vẽ, tài liệu gặp rất nhiều khó khăn khi gửi qua mạng. Cùng với đó, mỗi gói thầu thường có nhiều nhà thầu tham gia nên rất dễ nghẽn mạng. Đây cũng là lý do để nhiều chủ đầu tư vin vào, không tổ chức đấu thầu qua mạng
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn đấu thầu, pháp luật đấu thầu của chúng tôi:
- Tư vấn đấu thầu, tư vấn pháp luật về đấu thầu trực tuyến qua điện thoại
- Tư vấn pháp luật đấu thầu trực tuyến qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn hỗ trợ thủ tục đấu thầu, tư vấn luật đấu thầu trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!