Văn bản giám định ADN có phải căn cứ xác nhận cha cho con? Quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ giữa cha con của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư,
Em có một thắc mắc muốn được luật sư tư vấn. Em sinh con và làm giấy khai sinh cho cháu trước khi làm giấy đăng ký kết hôn. Bây giờ em muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh (vì chồng em là người Pháp nhưng UBND xã lại không bảo em lên huyện khai sinh cũng như không nói gì đến vấn đề có cha có thể nhận con và ghi tên cha ngay vi khai sinh dù chưa có giấy đăng ký kết hôn). Cho nên hiện tại trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ. Vậy bây giờ em muốn làm thủ tục nhận cha con để bổ sung tên chồng em vào giấy khai sinh của cháu. Nhưng huyện lại đòi giấy xét nghiệm DNA. Em tìm hiểu trên các trang luật thì thấy viết em là mẹ đồng ý xác nhận đó là bố và người bố cũng đồng ý đó là con mình, có giấy cam kết không tranh chấp là hợp pháp và đủ điều kiện để nhận con. Vậy xin luật sư cho biết luật Việt Nam mình có điều khoản nào bắt buộc phải có giấy xét nghiệm DNA khi làm thủ tục nhận cha con có yếu tố người nước ngoài không?
Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật hộ tịch 2014;
– Thông tư 15/2015/TT-BTP.
2. Giải quyết vấn đề:
Điều 25 Luật hộ tịch 2014 quy định khi đăng ký nhận con thì cha phải nộp tờ khai theo mẫu quy định cùng với chứng cứ chứng mình quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch và phải có mặt cùng con khi đăng ký nhận.
“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.”
Vì vậy, để được công chức tư pháp – hộ tịch xác nhận việc nhận con trong 3 ngày làm việc theo đúng thời hạn thì cha phải nộp đủ giấy tờ theo quy định trên và không có tranh chấp về việc nhận con.
Chứng cứ để chứng minh quan hệ giữa cha và con được quy định cụ thể tại Điều 11 của Thông tư 15/2015/TT-BTP:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. “
Theo đó, nếu không có văn bản của cơ quan y tế, giám định hay cơ quan nào khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác thay thế có thể chứng minh được quan hệ cha con cùng với văn bản cam đoan của cha mẹ về việc con là con chung và được tối thiếu 2 người thân thích làm chứng.
Do đó, nếu chỉ dựa vào việc không có tranh chấp nhận con và có văn bản cam đoan của cha mẹ về việc con là con chung là chưa đủ căn cứ làm chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Văn bản cam đoan của bạn phải có 2 người thân làm chứng tối thiểu và phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng nào đó đủ cơ sở để chứng minh mối quan hệ cha con nếu không muốn sử dụng đến giấy xác nhận DNA – văn bản của cơ quan giám định.
Vì vậy, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giấy giám định DNA là có căn cứ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu có một trong những vật thay thế quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu thay giấy giám định bằng những DNA.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!