Vẫn được hưởng thừa kế khi di chúc không định đoạt. Trường hợp người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị! Em tên Phạm Hùng Sinh, nhà ở Quận 8, sinh năm 1986. Nay em gửi mail nhờ anh chị tư vấn giùm em vì thật sự em rất hoang mang về vấn đề này rất lâu rồi:
Cha mẹ em có 2 đứa con. Em là con lớn trong nhà nhưng từ nhỏ em đã sống rất khổ cực, phải tự đi làm xếp bao thư ngày 100 nghìn hoặc chạy xe ôm để kiếm tiền đi học. Cha không có thương em. Em sống nhờ tình thương của mẹ. Lớn lên ra trường đi làm,không có xe. Mà cứ mỗi lần chửi em là cha là khóa xe, xích xe lại, không cho em đi.
Rồi em cố gắng dành dụm và mua góp được 1 chiếc xe nên cũng ổn cho việc đi tới đi lui. Đầu năm nay, cha mẹ em trúng số, mua được 1 căn nhà. Và rồi em gái em sắp lấy chồng. Nhưng khi xây nhà, ba mẹ lại đưa người chồng kia thiết kế và bản đồ nhà đều giao anh ta nắm. Em rất buồn. Giờ nhà đã xong, anh ta tiếp tục dẫn bạn bè, bà con anh ta về nhậu nhẹt buổi tối. Em ra sức cấm cản nhưng bị cha mẹ đuổi em đi khỏi nhà. Em biết là khi cha mẹ còn sống không nên hỏi tới việc nhà cửa nhưng giờ em hoang mang lắm,em không biết hỏi ai.
Em xin anh chị tư vấn giùm em: nếu cha mẹ không chia quyền thừa kế cho em vậy em không được gi phải không? Em không phải là người tranh giành vì cuộc sống em từ nhỏ đã khổ cực rồi, em phải ngủ trong 1 căn gác cùng mùi hôi thối của chuột chết suốt 20 năm qua khi em 13 tuổi. Cha đã cho em ra ở 1 căn gác xếp chứ không phải ngủ trong nhà. Nên bây giờ ngủ ở đâu không quan trọng, sống khổ như thế nào em cũng cam. Nhưng em không muốn người ngoài vào chiếm tất cả những gì mà cả cuộc đời cha mẹ em làm lụm vất vả. Lỡ biết đâu sau này, cha mẹ giao quyền thừa kế cho nhỏ em, rồi tụi nó đuổi cha mẹ em ra khỏi nhà, lúc đó em có chết cũng không nhắm mắt. Thật lòng em chỉ muốn cha mẹ em có 1 chỗ ở yên ổn khi về già thôi.
Nhờ anh chị tư vấn giùm em. Em biết ơn rất nhiều!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
a. Quyền của người lập di chúc:
Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định người lập di chúc, với trường hợp của bạn là cha mẹ bạn, có quyền sau:
– Chỉ định hoặc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
– Phân định cho người thừa kế từng phần di sản;
– Dành một phần tài sản để di tặng, thờ cúng trong khối di sản .
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
– Chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản và phân chia di sản.
Do đó, nếu không phải là những đối tượng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, tức đương nhiên được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất, trừ người từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản, mà bạn không được chỉ định hưởng di sản thừa kế thì bạn sẽ không được hưởng thừa kế từ cha mẹ.
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Còn trong trường hợp bố mẹ bạn mất không để lại di chúc thì các con của bố mẹ bạn cũng là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì vẫn được hưởng di sản của bố mẹ bạn để lại.
Tuy bạn có thể không được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng cho cha mẹ bởi pháp luật cũng quy định ngăn chăn hành vi đuổi cha mẹ bạn ra khỏi nơi nhà, cụ thể tại Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.”
Do đó, nếu anh rể và chị bạn đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì bạn có thể tố cáo hành vi của họ ra cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân địa phương để xử lý hành vi vi phạm của họ.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật thừa kế của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!