Vay tín chấp không có khả năng thanh toán có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo pháp luật dân sự .
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, tôi tên Thủy. Tháng 7/2016 tôi có vay tín chấp với công ty tài chính home credit số tiền 30.000.000vnd. Khi vay công ty có cho tôi tham gia chương trình khuyến mãi 'trả góp 36 tháng thì được khuyến mãi 12 tháng'. Hiện tại tôi đã thanh toán được 19 tháng với số tiền 2.488.000. Nếu theo hợp đồng ký thì tôi còn 5 tháng nữa là kết thúc hợp đồng. Nhưng trong thời gian thanh toán, do điều kiện khó khăn có 3 tháng tôi đã trả chậm 1 ngày (hạn 20 mà tôi trả 21), bây giờ công ty tài chính bắt tôi không được hưởng khuyến mãi nữa mà phải thanh toán đủ 36 tháng với số tiền 2.488.000vnd. Như vậy: 2.488.000*24th = 59.712.000 2.488.000*36th= 89.568.000 Lãi suất và số tiền như vậy có quá cao so với quy định của nhà nước không ak? Tôi vay để tạo vốn kinh doanh nhưng làm ăn thua lỗ, chồng bỏ đi hiện tại nuôi con 1 mình, điều kiện kinh tế khó khăn. Tôi đã cố hết sức đi vay mượn để trả đủ 24 tháng bây giờ công ty home credit bắt tôi phải trả đủ 36 tháng. Thưa luật sư, do hợp đồng tôi sơ ý làm mất nên bây giờ không biết căn vứ vào đâu. Bên luật sư tư vấn hộ tôi. "tôi không đủ khả năng để thanh toán tiếp nữa liệu tôi có bị xử phạt hành chính như thế nào ạ?"
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hình sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
– Luật sửa đổi bộ luật hình sự năm 2017
2. Giải quyết vấn đề
Theo thông tin bạn cung cấp bạn vay tín chấp của công ty tài chính Home credit số tiền 30.000.000 đồng và bạn đang chậm thanh toán khi đến hạn và mất khả năng thanh toán do kinh doanh thua lỗ, bạn cần xem lại hợp đồng vay tín chấp của em bạn được quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ như thế nào? Tiền lãi và mức phạt do không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết.
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Vay tín chấp là hình thức vay nợ không có tài sản đảm bảo. Cá nhân nào ký hợp đồng vay tiền thì cá nhân đó phải có nghĩa vụ trả nợ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:
” 1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.”
Do đó, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng có quyền từ chối các yêu cầu của khách hàng không đúng với quy định pháp luật và thỏa thuận cho vay.
Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.
Bạn không có khả năng trả, ngân hàng có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa án kiện đòi tài sản hoặc làm đơn tố cáo lên cơ quan công an nếu phát hiện có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản .
Vụ việc của bạn chỉ là quan hệ dân sự, chưa có dấu hiệu tội phạm. Nếu bạn không trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ khởi kiện bạn tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án sẽ tuyên bản án buộc bạn phải thanh toán khoản nợ đó. Nếu sau khi tòa án xét xử mà bạn vẫn không chấp hành bản án thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành. Nếu bạn không có tài sản riêng để thi hành thì khi nào bạn có tài sản, thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản… để thu hồi số tiền còn nợ theo bản án cho ngân hàng.
Nếu bạn bỏ trốn hoặc sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả khoản nợ đó thì bạn mới phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
” 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Nếu bạn không có mục đích chiếm đoạt số tiền đó, mà chỉ khó khăn chưa trả được nợ thì vụ việc chỉ là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì có vay, có trả, bạn nợ ngân hàng thì cũng phải tìm phương án trả nợ và có những thỏa thuận hợp lý mà bên cho vay có thể chấp nhận được để tránh mâu thuẫn, tranh chấp căng thẳng có thể xảy ra và thỏa thuận về lãi suất vì tổ chức tín dụng cũng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Nếu bạn sử dụng tiền vay của ngân hàng không đúng mục đích nhưng việc sử dụng tiền vào các giao dịch hợp pháp thì sẽ bị thu hồi, đòi nợ trước hạn… Vi phạm hợp đồng vay tiền (vẫn là quan hệ dân sự). Còn nếu bạn sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp thì mới cấu thành tội phạm hình sự nhưng bạn vẫn có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính bao gồm: nợ gốc, lãi suất hàng tháng và lãi chậm trả, bạn có thể thương lượng với họ về thời gian chậm trả, song bạn phải chấp nhận trả thêm tiền lãi và khoản phạt do chậm trả. Nếu bạn chưa có khả năng trả thì thỏa thuận, tuyệt đối không được trốn tránh, di chuyển nơi ở hay dùng các biện pháp khác, vì hành vi đó bạn có thể sẽ khép tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo bộ luật hình sự mới nhất.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!