Vợ chồng ly hôn nhưng chưa tách khẩu có được hưởng thừa kế của nhau không? Phân chia di sản thừa kế theo di chúc.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin LS tư vấn dùm vấn đề: bố tôi lấy vợ sau có đăng ký kết hôn, nhưng đã chia tay(giấy tờ ly hôn đầy đủ),nhưng không hiểu sao tên cô ấy vẫn còn trong hộ khẩu của bố tôi, vậy nếu bố tôi mất thì cô ấy có được hưởng tài sản gì ko,di chúc ông viết để cho con út và cháu nội trai con của a cả. Mong LS tư vấn dùm ,xin cám ơn
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Hiện nay tình trạng ly hôn diễn ra rất phổ biến, xoay quanh vấn đề giải quyết ly hôn thì vợ, chồng thường quan tâm đến việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, việc giành quyền nuôi con khi ly hôn. Tuy nhiên, thực tiễn có rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng thường lựa chọn biện pháp tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản của vợ chồng để tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết ly hôn được nhanh hơn. Chính vì vậy mà hệ quả của việc phân chia tài sản của vợ chồng chưa được giải quyết dứt điểm ngay cả khi quan hệ hôn nhân đã chấm dứt. Và trong tình huống của bạn, bạn băn khoăn việc khi vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn chung hộ khẩu thường trú thì vợ có được thừa kế phần tài sản của chồng hay không? Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên bạn tham khảo các quy định dưới đây:
Bố bạn có đăng ký kết hôn với người vợ sau, nhưng đã ly hôn, cô vợ này vẫn có tên trong hộ khẩu của bố mà chưa làm thủ tục chuyển khẩu. Tuy nhiên bạn không cung cấp rõ về việc trong thời gian chung sống bố bạn và vợ sau có tạo dựng được khối tài sản chung nào không, khi bố bạn và vợ sau ly hôn đã chia tài sản chung hay chưa? Và phần tài sản ông để lại di chúc cho con và cháu là tài sản riêng của bố bạn hay tài sản chung của vợ sau và bố bạn? Thì để rõ hơn về vấn đề này thì trước tiên cần phải xác định di sản bố bạn để lại là tài sản riêng hay chung của bố bạn và vợ sau?
– Nếu đó là tài sản chung của bố bạn và người vợ này, cần chia theo quy định của pháp luật về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình hôn nhân căn cứ theo khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, phần tài sản chung của bố bạn và vợ sau sẽ được chia đôi (mỗi người sẽ sở hữu một nửa trong khối tài sản chung này), sau đó còn phần tài sản của bố bạn sẽ được chia thừa kế theo di chúc vì bố để lại di chúc cho con út và cháu nội trai con của anh cả (nếu di chúc để lại của bố bạn hoàn toàn hợp pháp).
– Nếu đó là tài sản riêng của bố bạn, lúc này việc người vợ sau vẫn đứng tên trong hộ khẩu sau khi ly hôn không ảnh hưởng gì đến quá trình chia di sản thừa kế theo di chúc. Nếu di chúc của bố bạn để lại có hiệu lực pháp luật thì sẽ chia di sản theo di chúc bố bạn có để lại. Nhưng cần lưu ý, nếu bố bạn vẫn còn con chưa thành niên (có thể con của người vợ sau này) thì người con này thuộc người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Vậy, từ những phân tích trên có thể thấy việc người vợ vẫn đứng tên trong sổ hộ khẩu khi đã ly hôn không làm ảnh hưởng gì đến quá trình phân chia tài sản của người chồng, cả khi chia theo pháp luật hay chia theo di chúc. Nhưng cần xác định phần tài sản này thuộc tài sản chung hay riêng trước khi chia.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!