Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi va chạm giao thông. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
tôi xin chào văn phòng Luật sư! Tôi có tình huống tai nạn giao thông muốn hỏi luật sư như sau: Tôi mượn xe ô tô 7 chỗ của bạn để đi công việc. Khi tôi đi qua đoạn đường có vạch vàng đứt đoạn. Phía trước tôi có 03 xe congterner đi đằng trước. Tôi điều khiển xe vượt bên phải. Khi xe của tôi vượt gần hết xe thứ 3 thì xe này đột nhiên tăng ga vượt lên và va chạm vào phần đuôi xe ô tô của tôi. Sau đó xe của tôi mất lái và đâm vào xe máy đi đằng trước ( Do sự việc diễn ra nhanh nên tôi không để ý xe congterner đi đằng trước - người này cũng lái xe bỏ đi) . Hậu quả: Xe ô tô của tôi bị đâm vào nhà dân và hư hỏng nặng. Xe ô tô của tôi đâm vào khiến người lái xe máy mất lái đâm vào đống đá ( đá tấm dùng để lát nhà) của người dân để trên vỉa hè, người điều khiển xe máy được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức và bị cắt cụt tay (1/3 giữa cánh tay). Qua sự việc trên tôi thì lỗi của tôi như thế nào? Người bầy đá trên vỉa hè dẫn tới thương tích cho người điều khiển xe máy có phải chịu trách nhiệm gì không? Tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự gì không? Tôi xin chân thành cảm ơn Văn phòng Luật sư đã tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
+ Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017)
+ Luật Giao thông đường bộ 2008
2. Giải quyết vấn đề:
Trường hợp của bạn sẽ được giải quyết như sau:
Thứ nhất, việc xác định lỗi của bạn:
Bạn điều khiển xe ô tô trên đường có vạch kẻ vàng đứt đoạn. Vạch kẻ đường có ý nghĩa là dạng báo hiệu hướng dẫn nhằm nâng cao tính an toàn và khả năng lưu thông của phương tiện. Đối với vạch kẻ đường độc lập, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ ý nghĩa của vạch kẻ. Theo Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có hiệu lực ngày 1-11-2016, vạch kẻ vàng đứt đoạn dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau ở những đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách giữa. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía. Khi tham gia giao thông qua đoạn đường có vạch kẻ này, bạn được phép vượt xe.
Theo khoản 4 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì vượt xe phải vượt về bên trái trừ các trường hợp sau:
“Điều 14. Vượt xe
…4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.”
Bạn vượt xe bên phải mà không thuộc ba trường hợp trên thì đã vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Bạn có lỗi cố ý trong việc điều khiển phương tiện vượt xe trái pháp luật.
Khi bạn mất lái đâm người điều khiển xe máy khiến họ đâm vào đống đá bên đường. Bạn có lỗi vô ý đối với hành vi đâm vào người điều khiển xe máy và khiến họ bị tổn thương sức khỏe.
Đối với sự hư hỏng của chiếc xe ô tô 7 chỗ, xe máy của người kia và nhà của người dân bạn đâm vào (nếu có), bạn có lỗi vô ý gây thiệt hại đối với các tài sản này.
Thứ hai, Việc chịu trách nhiệm hình sự của bạn:
Theo điểm b khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;”
Dựa vào bảng 1 ban hành kèm Thông tư 20/2014/TT-BYT, cơ quan giám định sẽ xác định tỷ lệ tổn thương của người điều khiển xe máy bị cụt 1/3 giữa cánh tay (đối chiếu mục 1.3 tại phần I chương 8 thì cụt 1/3 giữa hai cẳng tay có tỷ lệ tổn thương là 83%). Do tỷ lệ tổn thương của người đó trên 61% nên bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, bạn có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:
“Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
…3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Dựa theo phân loại tội phạm, tội của bạn có mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm nên thuộc tội phạm nghiêm trọng. Bạn thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người khác thì bạn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu tình nguyện bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả và được bên người lái xe máy tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Bạn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn cần thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho tất cả những thiệt hại về sức khỏe, tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và chịu xử phạt hành chính với lỗi vượt xe, gây tai nạn giao thông theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thứ ba, việc chịu trách nhiệm của người để đá trên đường dẫn đến thương tích cho người khác:
Nếu nhà dân có để trên vỉa hè đống đá ( đá tấm dùng để lát nhà) mà đã xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn hoặc tương đương thì họ không có lỗi. Nếu họ chưa xin cấp phép mà tự ý lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè thì có lỗi và phạm tội cản trở giao thông đường bộ theo điểm b khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015:
“Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;”
Vì người để đống đá lấn chiếm vỉa hè này hoàn toàn nhận thức được hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra nên đây là lỗi cố ý. Người này phạm tội cản trở giao thông đường bộ mà có mức cao nhất của khung hình phạt với tội này là phạt tù đến 03 năm nên thuộc tội phạm ít nguy hiểm. Dựa vào khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 về Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự thì người này có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu tình nguyện bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả và được bên người lái xe máy tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người để đống đá này sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại về sức khỏe, tài sản với người đi xe máy. Theo Điều 584, Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 thì người này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe cho người đi xe máy. Mức bồi thường sẽ được xác định dựa theo Điều 589, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.
Do đó, bạn và người để đá trên đường có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người lái xe máy tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Bạn cần bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và thuyết phục người đi xe máy để được miễn trách nhiệm hình sự. Ba bên liên quan (bạn, người để đống đá, người xe máy bị thiệt hại) có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại nhưng phải dựa trên quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!