Xe tải tư nhân khi chở hàng có cần mang theo giấy vận tải không? Nếu có thì mức xử phạt trong trưởng hợp lái xe không mang như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư về giấy vận tải. Tôi là lái xe tư nhân xe tải 7 tấn. Mua lẻ bán lẻ. Điểm mua hàng nhiều địa điểm không xác định và điểm bán cũng không xác định. Vậy có cần giấy vận tải hay không? Vì địa điểm giao hàng không xác định vậy nếu phải có giấy vận tải thì tôi phải viết thế nào?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Lái xe tải tư nhân đi mua bán lẻ, không xác định được điểm mua-bán hàng rõ ràng, vậy có cần giấy vận tải không? Nếu cần thì lấy mẫu từ đâu và viết như thế nào? Đó là câu hỏi thắc mắc của bạn nói riêng và của nhiều bạn khác nói chung. Do hiện nay, vấn đề pháp lý còn chồng chéo, người dân còn khó tiếp cận, để khắc phục vấn đề đó, giúp người dân có thể tìm thấy căn cứ pháp lý và định hướng xử lý cho tình huống mình đang gặp phải nhanh và dễ hiểu nhất bạn và mọi người có thể tham khảo bài phân tích dưới đây.
Căn cứ Khoản 2 Điều 52 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 52. Hợp đồng vận tải, giấy vận tải
…
2.Giấy vận tải
a) Giấy vận tải bao gồm các thông tin sau: tên đơn vị vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình (điểm khởi đầu, lộ trình, điểm kết thúc hành trình); số hợp đồng (nếu có), ngày tháng năm ký hợp đồng; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải. Cự ly của hành trình hoạt động được xác định từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc của chuyến đi.
b) Giấy vận tải do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải.
c) Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng uỷ quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 28 của Thông tư này”.
Bên cạnh đó, Khoản 6 và Khoản 8 Điều 53 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT có quy định:
“Điều 53. Quy định đối với đơn vị và lái xe vận tải hàng hóa.
…
6.Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật.
…
8.Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, lái xe có trách nhiệm yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải và có trách nhiệm từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật”.
Do đó, khi vận chuyển hàng hóa, bạn là lái xe phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật ở trên. Lái xe có trách nhiệm yêu cầu chủ xe hoặc người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải và có trách nhiệm từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật. Giấy vận tải bạn có thể lấy theo mẫu quy định tại Phụ lục 28 của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.
Về cách điền vào mẫu giấy vận tải, theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 52 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT có đề cập tất cả các mục có trong mẫu giấy vận tải, bạn có thể tải mẫu về và điền, nếu có những thông tin nào không điền được có thể liên hệ lại để chúng tôi có thể nhận thông tin thắc mắc cụ thể giải đáp cho bạn. Về địa điểm giao hàng không xác định, bạn chỉ cần căn cứ vào hành trình hoạt động được xác định từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc của chuyến đi để xác định khi hoạt động vận tải.
Nếu bạn không thực hiện việc mang theo giấy vận tải bạn có thể bị phạt nếu cơ quan chức năng kiểm tra, căn cứ theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ
…
2.Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
d) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải.
…”
Như vậy, Nếu không tuân thủ bạn sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!