Nhận tiền để xin vào biên chế nhưng không thành phải làm thế nào? Xử lý hành vi nhận hối lộ theo quy định của pháp luật.
Nhận tiền để xin vào biên chế nhưng không thành phải làm thế nào? Xử lý hành vi nhận hối lộ theo quy định của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi: em đang là công chức tại Ủy ban nhân dân phường nhưng do có sự quen biết nên ông L đã nói em qua cơ quan ông L làm, cơ quan trực thuộc Trung ương Hội nông dân. Cơ quan đại diện đặt tại phía Nam là văn phòng đại diện. Ông L là thư ký tổng biên tập. Ông L nói sẽ chuyển em vào biên chế (viên chức) của tòa soạn và có giữ của em số tiền 15 triệu đồng. Khi vào làm em mới biết rất khó vào được biên chế nên không có chuyện ông L nói sẽ chuyển được em vào biên chế như đã hứa. Làm được 2 tháng cũng không trả lương, không có quyền lợi gì hết. Còn nói tụi em đóng tiền học khi vào làm mỗi người mỗi giá: người 2 triệu, người 3,5 triệu. Nhưng thật ra ông L không đóng học cho tụi em mà bỏ túi. Ở đây, ông L lợi dụng những mối quan hệ quen biết của nhân viên gọi những nơi lấy hàng văn phòng phẩm và in ấn nhưng rồi cũng không trả tiền (chủ nợ gọi điện và tới đòi nhiều nhưng trốn và có những lời lẽ chửi lại họ). Cho e hỏi ông L có bị phạm tội lợi dụng uy tín lừa gạt tài sản không. Hiện tại em có tin nhắn ông L cầm tiền (nhắn là anh cầm 10 triệu) và qua đây làm cầm theo 20 thôi… và những file ghi âm các cuộc nói chuyện hứa hẹn của ông L với em. Vậy có giá trị gì không? Có bắt ông L trả tiền và đền tội được không luật sư? Hiện tại em và mọi người trong cơ quan không có lương và vẫn phải lên cơ quan để chờ đợi đòi lương và khoản nợ. Có nhiều người lần trước làm cũng đợi lương nhiều tháng không trả nên họ nản quá nghỉ làm chỗ khác và cũng chưa lấy được tiền lo đầu vào, có người phải đưa ông L đến 80 triệu với những lời hứa hẹn như tụi em hiện tại.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
2. Giải quyết vấn đề:
Để ông L phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt căn cứ Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 tài sản thì ông L phải có đầy đủ các yếu tố cấu thành như sau:
– Yếu tố về chủ thể: Ông L đã trên 18 tuổi do đó phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi khoản của Điều 140;
– Yếu tố về khách thể: Ông L phải có hành vi xâm phạm đến quan hệ sở hữu của bạn đối với tài sản của bạn;
– Yếu tố mặt khách quan của tội phạm: Ông L phải có được tài sản một cách hợp pháp thông qua một trong các loại hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản… và sau đó không thực hiện như cam kết trong hợp đồng mà sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản và đã chiếm đoạt được tài sản hoặc đã bỏ trốn hoặc không có khả năng trả lại tài sản. Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên hoặc nếu dưới 4 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã từng bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản mà án tích chưa được xóa;
– Yếu tố mặt chủ quan của tội phạm: Ông L phải cố ý lạm dụng lòng tin của bạn để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn.
Theo đó, mặc dù hiện tại ông L chưa trả lại tài sản cho bạn tuy nhiên: Thứ nhất, ông L có được tài sản của bạn (15 triệu đồng) không thông qua một hợp đồng hợp pháp bởi hành vi nhận tiền của bạn để xin việc là hành vi nhận hối lộ; thứ 2, ông L tuy hiện đang giữ tiền của bạn nhưng không hề bỏ trốn hay trốn tránh bạn. Do đó, không đủ yếu tố cấu thành để kết luận ông L làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bạn.
Tuy nhiên, nếu ông L có đầy đủ những yếu tố cấu thành như sau thì ông L sẽ phạm tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009:
– Yếu tố về chủ thể: Ông L là người có chức vụ quyền hạn, khiến bạn tin tưởng có thể đưa bạn trở thành viên chức – làm một việc đem lại lợi ích cho bạn;
– Yếu tố về khách thể: Việc ông L hứa sử dụng tiền để đưa bạn thành viên chức đã xâm phạm uy tín, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước tổ chức;
– Yếu tố mặt khách quan của tội phạm: Ông L có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp đã nhận tiền hối lộ của bạn để đưa bạn trở thành viên chức. Số tiền hối lộ là 15 triệu đồng, tức đã trên 2 triệu đồng – số tiền tối thiểu để đủ điều kiện khởi tố hành vi nhận hối lộ;
– Yếu tố mặt chủ quan của tội phạm: Ông L cố ý nhận tiền hối lộ của bạn để tư lợi cho bản thân.
Với việc đã có tin nhắn và những file ghi âm lại thì bạn hoàn toàn có thể tố cáo hành vi nhận hối lộ cho cơ quan công an. Tuy nhiên, bạn có thể cũng sẽ bị khởi tố về tội đưa hối lộ theo Điều 289 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009, việc bạn có được trả lại một phần hay toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc có chủ động khai báo trước khi bị phát giác hay không và phụ thuộc vào quyết định của Tòa án:
“Điều 289. Tội đưa hối lộ
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
(…)
6. (…)
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!