Xử phạt hành vi đi ngược chiều và không mang giấy phép lái xe. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi mức phạt đi ngược chiều và quên mang giấy phép thì phạt bao nhiêu tiền ạ? Và nếu có nhiều mức phạt thì làm sao để biết mình ở mức nào ạ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
– Luật giao thông đường bộ năm 2008
2. Giải quyết vấn đề
Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin là bạn điều khiển ôtô hay xe máy về hành vi vi phạm nên chúng tôi sẽ chia ra hai trường hợp theo từng loại phương tiện theo quy định của pháp luật.
Đối với lỗi đi ngược chiều khi điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ô tô
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.200.000 đồng. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 7 triệu – 8 triệu đồng (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định). Người thực hiện hành vi này đồng thời còn bị tước Giấy phép lái xe từ 04 – 06 tháng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP nếu :
+ Đi vào đường cấm, khu vực cấm;
+ Đi ngược chiều của đường một chiều,
+ Đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”
Sẽ bị phạt từ 300.000 đồng – 400.000 đồng ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;Nếu vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì còn bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng – 04 tháng
Hành vi không có giấy phép lái xe thì theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:
” 2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật giao thông đường bộ năm 2008.
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật giao thông đường bộ năm 2008.
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”
Theo đó, giấy phép lái xe là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người lái xe phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đối với xe ôtô
Nếu không mang theo Giấy phép lái xe thì mức phạt không có giấy phép lái xe ô tô là từ 200.00 đồng đến 400.000 đồng theo quy định tại Điểm a khoản 3, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Nếu có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 06 tháng thì mức phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. (Điểm c khoản 4, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Nếu có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên thì mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. (Điểm a khoản 7, điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Đối với xe máy
Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Theo quy định của pháp luật thì khi người tham gia giao thông phải đầy đủ các giấy tờ khi tham gia giao thông nếu không có hoặc thiếu một trong các giấy tờ đó thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới khi Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; hoặc có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về phạt tiền như sau:
” 4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Như vậy, theo quy định chung thì áp dụng mức phạt tiền cụ thể là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!