Xử phạt về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Truy cứu trách nhiệm với hành vi quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Hỏi: Em có một người bạn hiện nay đang bị một người đàn ông hay đến quấy rối cuộc sống, dọa nạt tinh thần khiến bạn ấy rất lo sợ. Anh ta trêu bạn em đến phát cuồng, khi bạn em không đồng ý anh ta tìm mọi cách để chiếm đoạt cô ấy. Anh ta còn theo dõi, lấy số điện thoại của bạn cô ấy chửi tục, dọa nạt, thách thức bạn cô ấy và còn xúc phạm đến nhân phẩm của cô ấy, cô ấy chuyển chỗ ở anh ta tìm mọi cách để biết và đến. Thậm chí còn dọa sẽ làm cho gia đình cô ấy biết việc này, giờ cô ấy rất sợ. Vậy cho em hỏi những hành vi của ta có đủ để chịu hình phạt của pháp luật không ạ?. Em xin Luật sư giúp em giải đáp với ạ.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:
” Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng…”.
Như bạn trình bày bạn của bạn hiện nay đang bị một người đàn ông hay đến quấy rối cuộc sống, dọa nạt tinh thần khiến bạn ấy rất lo sợ. Anh ta trêu bạn em đến phát cuồng, khi bạn em không đồng ý anh ta tìm mọi cách để chiếm đoạt cô ấy. Anh ta còn theo dõi, lấy số điện thoại của bạn cô ấy chửi tục, dọa nạt, thách thức bạn cô ấy và còn xúc phạm đến nhân phẩm của cô ấy, cô ấy chuyển chỗ ở anh ta tìm mọi cách để biết và đến. Thậm chí còn dọa sẽ làm cho gia đình cô ấy biết việc này khiến cô ấy rất sợ. Đối với hành vi như quấy rối, dọa nạt tinh thần cũng như đe dọa, uy hiếp khiến người bạn của bạn sợ hãi, lo sợ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của cô ấy và căn cứ với những hành vi như vậy nên người đàn ông đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hành chính nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
” Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình…“.
Để xem xét cấu thành tội làm nhục người khác sẽ xem xét theo các mặt như: mặt khách quan của tội phạm, khách thể, chủ thể và mặt khách quan như sau:
+ Mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội có hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Những hình thức biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể là những lời nói có tính chất thóa mạ, xỉ nhục, đe dọa, chửi bới… có tính chất bỉ ổi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí và môi trường xung quanh; vị thể, vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức cũng như trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi lăng nhục đó. Những hành vi này có thể được thực hiện công khai trước mặt người bị hại hoặc có thể là gián tiếp qua những người khác để đến người đó.
Tội làm nhục người khác là tội phạm mà pháp luật hình sự quy định có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội làm nhục người khác.
+ Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi để đạt được mục đích đó.
+ Mặt khách thể: Hành vi phạm tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.
+ Mặt chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Nếu khi xem xét vụ việc, hành vi của người đàn ông trên có đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nêu trên thì người đàn ông trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tương ứng với hành vi của mình theo quy định pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!